Nga trở lại vị thế "cường quốc đại dương"

ANTĐ - Báo cáo công bố lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay của Mỹ đã cho thấy sự trở lại đầy sức mạnh của hải quân Nga trên các đại dương.
Nga trở lại vị thế "cường quốc đại dương" ảnh 1

Hải quân Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đang trỗi dậy mạnh mẽ để khẳng định sức mạnh trên các đại dương

Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) vừa công bố một báo cáo dài tới 68 trang đánh giá tổng thể về sức mạnh hải quân Nga hiện nay với nhan đề “Hải quân Nga: Một bước chuyển mình lịch sử”. Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan này của hải quân Mỹ công bố báo cáo về hải quân Nga, đối thủ chính của hải quân Mỹ suốt mấy chục năm kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc cùng với sự tan rã của Liên Xô năm 1991.

Sự sa sút nhanh của hải quân Nga sau khi kế thừa Liên Xô trước đây khiến Mỹ - cường quốc hải quân có sức mạnh vượt trội toàn cầu - đã không cần tính tới sức mạnh của lực lượng vốn là đối thủ ngang ngửa thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin không chỉ trỗi dậy về kinh tế mà còn cả về sức mạnh quân sự với hải quân là một trong những lực lượng răn đe chính. Đó là lý do mà hải quân Mỹ phải đánh giá để nhìn nhận chính xác về sức mạnh hiện nay của hải quân Nga.

Nếu như năm 2000 chỉ vài tàu chiến Nga có thể tham chiến thì đến nay, theo báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, hải quân Nga đã sở hữu 186 tàu ngầm và tàu nổi, sẵn sàng tác chiến ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, biển Đen, biển Baltic, Địa Trung Hải, Bắc Băng Dương... Về số lượng tàu chiến, hải quân Nga hiện đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, nhưng trong một số lĩnh vực then chốt, hải quân nước này đã bắt kịp hải quân Mỹ được xem là hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Cuộc không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được xem là cuộc phô diễn sức mạnh quân sự hiện nay của Nga, trong đó có lực lượng hải quân. Việc hết tàu chiến tàng hình thế hệ mới đến tàu ngầm Kilo “hố đen đại dương” bắn tên lửa hành trình chính xác vào các mục tiêu IS trên lãnh thổ Syria cách đó 1.500km đã khiến báo cáo của ONI phải ghi nhận là “Hải quân Nga giờ đây có thể phát hiện, đe dọa hoặc tiêu diệt các mục tiêu từ xa”, điều mà trước đó chỉ hải quân Mỹ mới có thể thực hiện.

Hải quân Nga trên đường trở lại sức mạnh của cường quốc đại dương hàng đầu thế giới chú trọng vào chất lượng với những vũ khí trang bị hiện đại nhất. Lực lượng tàu ngầm hạt nhân đang được hiện đại hóa mạnh mẽ với tàu ngầm hạt nhân lớp Borei có thể mang tới 20 tên lửa đạn đạo Bulava tầm bắn tới 10.000km, mỗi tên lửa mang 10 đầu đạn có khả năng xuyên thủng mọi “lá chắn tên lửa” cùng với các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Yasen, tàu ngầm tấn công thông thường Kilo… 

Cùng với đó, lực lượng tàu nổi mặt nước cũng đang được “lột xác” bởi các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, tàu hộ vệ tên lửa đều có tính năng tàng hình cùng hệ thống vũ khí mới nhất. Sau sự đổ bể của hợp đồng mua 2 tàu Mistral của Pháp, Nga đã tự thiết kế và đóng tàu lớp Lavina có năng lực gấp đôi Mistral, có thể mang theo 16 trực thăng, 450 lính thủy đánh bộ và 80 đơn vị kỹ thuật mặt đất.

Nòng cốt cho sức mạnh răn đe trong tương lai của hải quân Nga là dự án tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới 23000E Storm với 2 đường băng, có lượng giãn nước 95.000 -100.000 tấn, chở được 90 máy bay các loại. Tàu hạt nhân thế hệ mới của Nga dự kiến sẽ được trang bị máy bay chiến đấu tàng hình T-50 PAK FA phiên bản dành cho hải quân.