Nga thử nghiệm đầu đạn siêu thanh cho tên lửa đạn đạo liên lục địa

ANTD.VN - Cách đây ít ngày, Lực lượng Tên lửa chiến lược (SMF) của Nga đã phóng thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-18. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, đây không phải một vụ phóng kiểm tra thông thường mà nó được dùng để thử nghiệm đầu đạn siêu thanh mới, được thiết kế để chiến thắng hệ thống phòng không của Mỹ. 

Vụ phóng tên lửa RS-18 được tiến hành ở vùng Orenburg với đầu đạn bay tới bán đảo Kamchatka vào hôm 25-10, được Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố là thành công. 

Theo blog quân sự MilitaryRussia.ru, vụ phóng tên lửa này được Nga thực hiện nhằm thử nghiệm đầu đạn siêu thanh mới còn có mã định danh là “vật thể 4202”.

Hiện chỉ có một vài nước trên thế giới đang phát  triển công nghệ này. Mỹ có HTV-2, vốn đã trải qua 2 bài thử nghiệm thành công. Đầu đạn đang phát triển của Trung Quốc có tên DF-ZF cũng đang sử dụng công nghệ này và đã thử nghiệm lần đầu vào năm 2014. Ấn Độ cũng đang nghiên cứu công nghệ bay siêu thanh nhưng không như Nga, Mỹ và Trung Quốc, nước này sẽ không chế tạo một đầu đạn tên lửa chiến lược.

Đầu đạn siêu thanh sẽ được gắn trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa

Đầu đạn siêu thanh khác với các đầu đạn thường ở việc phần lớn thời gian nó bay ở tầng bình lưu chứ không phải trên không gian vũ trụ. Điều này giúp đầu đạn siêu thanh thu ngắn được khoảng cách với mục tiêu cũng như khiến các hệ thống tên lửa phòng không có nhiều cơ hội để phản ứng. 

Quan trọng hơn, đầu đạn siêu thanh cũng có khả năng thay đổi đường bay linh hoạt ở tốc độ cao, từ đó vượt qua được những tên lửa đánh chặn hiện nay.

''Vật thể 4202'' được cho là sẽ được lắp trên tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới RS-28 của Nga. Các chuyên gia quân sự dự đoán rằng, mỗi tên lửa RS-28 sẽ mang được 3 đầu đạn siêu thanh.