Nga củng cố vị thế ở Trung Đông bằng giao thương vũ khí

ANTD.VN - Nga đang nỗ lực mở rộng các mối quan hệ với các công ty quốc phòng ở Trung Đông để ký kết các hợp đồng mới cung cấp vũ khí, đồng thời nghiên cứu các phương án thành lập các công ty liên doanh mới. Tuy nhiên, theo tờ Newsweek, hiện nay Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và phần lớn vũ khí này được bán cho các quốc gia ở Trung Đông.

Theo tờ Newsweek của Mỹ, Nga đang sử dụng ảnh hưởng ngày càng lên cao của mình ở Trung Đông để mở rộng mối quan hệ với ngành công nghiệp quốc phòng trong khu vực này, nhằm ký kết các hợp đồng cung cấp vũ khí mới và nghiên cứu khả năng thành lập các công ty liên doanh mới.

Tại triển lãm hàng không ở Dubai, nơi đang trình diễn công nghệ hàng không và vũ trụ của nhiều quốc gia khác nhau, có khoảng 30 công ty của Nga đã đạt được những thỏa thuận trong một số dự án đầy triển vọng, đặc biệt là các thỏa thuận với nước chủ nhà - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Siêu tiêm kích Su T-50 PAK FA của Nga

Theo truyền thông Nga, trong số các thỏa thuận đang đàm phán, Nga có thể bán cho UAE máy bay trinh thám không người lái “Orion-E” MALE, máy bay trực thăng Mi-38 và máy bay tiêm kích Su-35. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xem xét khả năng mua phi cơ Su-35 sau khi thương vụ hệ thống tên lửa phòng không S-400 thành công.

Theo tác giả bài viết trên trang tin Newsweek, ở thời điểm hiện tại vũ khí của Nga đang thu hút được sự quan tâm chú ý hơn bao giờ hết, bất chấp việc Mỹ đang cố gắng hòng can ngăn những quốc gia tiềm năng mua vũ khí Nga bằng cách đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Chính trị và Quân sự René Clark Cooper đã lên tiếng cảnh báo Ai Cập - nước đang quan tâm đến Su-35 của Nga, rằng việc mua máy bay Nga sẽ dẫn đến “các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Bắc Phi này, cũng như Ai Cập sẽ mất khả năng mua vũ khí của Mỹ trong tương lai”.

Trước đó, Mỹ cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, khi nước này mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 và linh kiện cho máy bay tiêm kích Su-35. Các biện pháp trừng phạt như vậy được Mỹ đưa ra sau khi thông qua bộ luật có tên “Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt” vào năm 2017, theo đó Nga, cũng như Iran và Triều Tiên, đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen.

Tuy nhiên, đã 2 năm sau khi Washington thông qua luật này, Moscow vẫn tiếp tục không chỉ thiết lập các quan hệ mới trong lĩnh vực quốc phòng, mà còn tăng cường các mối quan hệ hiện có.

Ngoài các hợp đồng được ký kết gần đây về việc cung cấp thiết bị hàng không vũ trụ, Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga cũng đã hoàn thành giai đoạn I của hợp đồng cung cấp xe tăng T-90S cho Iraq.

Tuy nhiên, bài viết kết luận, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Và đa phần các vũ khí này đã được bán cho các quốc gia ở Trung Đông, nơi mà các nước nhìn nhận Moscow là một đối trọng mang tính chất ngoại giao.