Nga công nhận DPR-LPR: Mỹ thấy ‘những người áo xanh’ ở Donbass

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nga công nhận DPR-LPR và sự nghi ngờ của Mỹ về việc Moscow tung quân sang miền đông Ukraine đã gợi lại hình ảnh về “Những người xanh nhỏ bé” hay “Những người lính lạ” ở Crimea 8 năm về trước

Mỹ tuyên bố về “Những người áo xanh” ở Donbass

Trong bối cảnh Nga vừa công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass-Ukraine là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) ngày 21/2, tại cuộc họp báo ngắn hôm 23/2 được truyền trực tiếp trên trang Twitter của Nhà Trắng, phát ngôn viên của Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố rằng, Mỹ đang quan sát “Những người áo xanh” có mặt khắp miền Đông Ukraine.

Theo lời bà Jen Psaki, những đối tượng áo xanh kể trên có mặt ở khắp miền đông Ukraine. Họ không mặc quân phục Nga, nhưng rõ ràng là có liên hệ với Moscow, bởi họ là những đối tượng “có phong cách hành xử như quân nhân Nga”.

“Bây giờ chúng tôi biết rằng họ ở khắp miền đông Ukraine và không mặc quân phục. Nhưng họ hành xử theo cách hành xử của các quân nhân Nga” - bà Psaki tuyên bố nhưng không đưa ra minh chứng và cũng không cho biết rõ ở đây nói về kiểu hành xử nào.

Trước đó, trong số những thách thức mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cho là xuất phát từ nước Nga, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã nhắc đến “những người mặc trang phục xanh” hay nói theo ngôn từ của giới truyền thông và mạng xã hội là “Những người xanh nhỏ bé” hay “Những người lịch sự”.

Ông Biden nhấn mạnh rằng, Nga có lịch sử lâu dài về thực hiện những biện pháp gây hấn khác mà không bao gồm chiến thuật quân sự-bán quân sự, ví dụ như cái gọi là những cuộc tấn công từ “vùng xám”, là hành động khi binh lính Nga không mặc quân phục.

Nga công nhận DPR-LPR là hai quốc gia độc lập vào tháng 2/2022 (Ảnh: “Những người xan nhỏ bé” canh gác trước một doanh trại quân đội Ukraine, tháng 3/2014)
Nga công nhận DPR-LPR là hai quốc gia độc lập vào tháng 2/2022 (Ảnh: “Những người xan nhỏ bé” canh gác trước một doanh trại quân đội Ukraine, tháng 3/2014)

Được biết, những hình tượng mà giới chức Mỹ nhắc đến ám chỉ hoạt động của lực lượng đặc nhiệm quân đội Nga, mà người ra biết đến lần đầu tiên sau vụ đảo chính trên Quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev của Ukraine hồi tháng 2/2014, dẫn đến sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Sự kiện này nổi tiếng trên truyền thông thế giới với danh xưng “Chiến dịch Mùa xuân Crimea”, vì lực lượng đặc nhiệm Nga đã không tốn một viên đạn, không nổ một phát súng mà đưa được bán đảo này trở lại với Nga (sau khi Lãnh thụ Liên Xô Nikita Khrushchev vào tháng 4/1954 đã giao tỉnh Crimea từ CHXHCN Liên bang Xô Viết Nga (RSFSR) sang CH XHCN Xô Viết Ukraine (USSR), cùng trong Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết.

Truyền kỳ về “Những người xanh nhỏ bé”

Vào đêm 27/2/2014, các nhóm binh sĩ bịt mặt, mặc quân phục xanh không quân hàm, phù hiệu với trang bị vũ khí hiện đại đã đột ngột xuất hiện như từ trên trời rơi xuống và nắm quyền kiểm soát toàn bộ tòa nhà của Hội đồng Tối cao và Hội đồng Bộ trưởng Crimea (vào thời điểm đó vẫn thuộc chủ quyền của Ukraine).

Sang ngày hôm sau, “Những người lính lạ” hay “Những người xanh nhỏ bé” (danh xưng đầu tiên trên mạng xã hội), đã hiện diện ở các cơ sở chiến lược khác trên bán đảo Crimea như chiếm lĩnh sân bay quốc tế Simferopol và phong tỏa sân bay quân sự Belbek.

Tiếp theo, những người lính này có mặt ở các đơn vị quân đội Ukraine mà họ đã phong tỏa hoặc giành được quyền kiểm soát; canh gác tại các cảng, cửa khẩu biên giới vào Crimea; cùng với các công trình công cộng khác.

Sau khi Nga công nhận nền độc lập của DPR-LPR, Mỹ tố cáo Nga đã đưa lực lượng quân sự sang Donbass (Ảnh: “Những người xanh nhỏ bé” chơi đùa với trẻ em, xếp hàng trong siêu thị và chụp ảnh với các cô gái)
Sau khi Nga công nhận nền độc lập của DPR-LPR, Mỹ tố cáo Nga đã đưa lực lượng quân sự sang Donbass (Ảnh: “Những người xanh nhỏ bé” chơi đùa với trẻ em, xếp hàng trong siêu thị và chụp ảnh với các cô gái)

Sau đó, họ cũng đã đảm bảo an ninh trật tự khi người dân bán đảo Crimea và thành phố Sevastopol đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga.

Trong suốt quá trình này, “Những người lính lạ” hay “Những người xanh nhỏ bé” tuyệt đối không sử dụng vũ lực ở những nơi họ hiện diện; hành động rất đúng mực, cư xử hòa nhã với cư dân trên bán đảo (điển hình như nô đùa với trẻ em, xếp hàng trong siêu thị, chụp ảnh với các cô gái…), phối hợp nhịp nhành với lực lượng tự vệ nhân dân Crimea và hành xử cứng rắn nhưng rất ôn hòa, lịch sự với số binh sĩ Ukraine còn hiện diện trên bán đảo.

Do đó, mạng xã hội và giới truyền thông thế giới đã xuất hiện thêm danh xưng “Những người lịch sự”, tuy nhiên, giới truyền thông phương Tây thường chỉ sử dụng hai danh xưng ban đầu.

Phải đến ngày 17/4/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới lần đầu tiên thừa nhận rằng các binh sĩ đặc nhiệm của Tổng cục Tình báo (GRU), Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga, đã đứng sau các lực lượng tự vệ Crimea trong tiến trình bán đảo sáp nhập vào Nga (được giới chức Nga gọi là “Mùa xuân Crimea”).

Và kể từ đó, ngày 27/2 được chính thức công nhận là “Ngày Đặc nhiệm Quân đội”, vinh danh “Những người lịch sự” hay “Những người xanh nhỏ bé” đã làm nên “Mùa xuân Crimea” - một “chiến dịch lai” (kết hợp giữa quân sự và chính trị, ngoại giao, dân vận, binh vận…) thành công nhất trong lịch sử.