Nga công nhận DPR và LPR: Tâm thư Tổng thống Putin gửi Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Tổng thống Nga Putin, việc Nga công nhận hai khu vực ly khai DPR và LPR là điều "chẳng đặng đừng" bởi Ukraine và Nga có chung một phần lịch sử, văn hóa và không gian tinh thần.

Ukraine hiện đại do Nga tạo ra

Sau một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga hôm 21/2, Tổng thống Nga đã tham khảo ý kiến ​​của các bộ trưởng, quan chức an ninh cấp cao và các thành viên chính phủ về quan điểm của họ trong vấn đề công nhận chủ quyền và độc lập của hai khu vực ly khai tự dưng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) và các tác động chính trị, kinh tế và chiến lược tiềm ẩn của nó.

Sau cuộc họp, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, đồng thời khẳng định rằng, đây là một quyết định mà lẽ ra phải được đưa ra từ lâu

Tiếp theo, Tổng thống Nga đã ký các văn kiện tương ứng với các lãnh đạo của DPR và LPR, đồng thời đề nghị Quốc hội Liên bang ủng hộ việc ký kết các hiệp ước hợp tác với các nhà nước ly khai vừa mới giành được quyền độc lập ở vùng Donbass, ở biên giới phía tây nước Nga.

Ông Putin kêu gọi giới chức lãnh đạo Ukraine “chấm dứt ngay các hành động thù địch” chống lại các quốc gia mới được công nhận, đồng thời cảnh báo rằng “nếu không, mọi trách nhiệm về việc tiếp tục đổ máu sẽ hoàn toàn thuộc về lương tâm của chế độ cầm quyền ở Kiev”.

Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia tối ngày 21/2, nhà lãnh đạo Nga nói rằng, Ukraine không chỉ là một nước láng giềng, mà còn là một phần vốn có của lịch sử, văn hóa và không gian tinh thần Nga. Ở đó còn có những đồng đội, có những con người mà các cư dân Nga có quan hệ huyết thống.

Nga đã công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai DPR và LPR vào hôm 21/2
Nga đã công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai DPR và LPR vào hôm 21/2

Theo ông Putin, “Ukraine hiện đại hoàn toàn được tạo ra bởi Nga”, chính xác hơn là bởi nhà nước Nga Bolshevik ngay sau Cách mạng năm 1917, với vai trò tối quan trọng của Vladimir Ilyich Lenin. Vị lãnh tụ của phong trào cộng sản thế giới chính là tác giả và kiến ​​trúc sư của nó. Điều này được xác nhận đầy đủ trong các tài liệu lưu trữ, bao gồm các chỉ thị cứng rắn của Lenin về Donbass.

Ông cũng nhớ lại rằng, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã cắt bán đảo Crimea khỏi quyền tài phán của nước cộng hòa Xô Viết Nga và giao nó cho nước cộng hòa Xô Viết Ukraine vào năm 1954.

Ông Putin nhắc lại, Nga tiếp tục hợp tác với Ukraine thời hậu Xô Viết, theo “thái độ cởi mở và trung thực, tôn trọng các lợi ích của Ukraine”, bao gồm cả thông qua hợp tác thương mại đang phát triển, đạt hơn 50 tỷ USD mỗi năm vào thời điểm đầu những năm 2010 và trợ cấp cho sự phát triển của đất nước này với mức 250 tỷ đô la từ năm 1991 đến năm 2013.

Nga không thể không hành động vì an ninh của đất nước

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga chỉ ra điều đáng buồn là sau khi Liên bang Xô viết tan rã, quốc gia Ukraine mới được thành lập đã dần dần bị thâu tóm bởi các lực lượng dân tộc chủ nghĩa và các nhà tài phiệt - những kẻ “không liên quan gì” đến thành tích giành độc lập của nước này.

Tổng thống Putin chỉ ra, những chính khách cực đoan Ukraine được Mỹ hậu thuẫn và tài trợ đã lợi dụng sự tức giận của dân chúng về nạn tham nhũng vào năm 2014 để tiến hành “một cuộc đảo chính” ở quảng trường Maidan, sau đó, đưa đất nước vào chiến dịch “giải trừ cộng đồng” và hoàn toàn phụ thuộc vào Phương Tây.

Giới chính trị ở Kiev đã gạt cộng đồng nói tiếng Nga ra ngoài lề xã hội, phá bỏ những dấu tích của Liên Xô/Nga như văn hóa, ngôn ngữ…, kể cả tượng đài các vị lãnh tụ như Lenin, làm suy yếu quyền lợi của các tín đồ Chính thống giáo và gây nguy hiểm cho an ninh của Nga.

Tổng thống Nga còn cáo buộc các nhà chức trách hiện tại ở Ukraine đang tìm cách lôi kéo các nước khác vào cuộc chiến với Nga, đe dọa tái chế tạo vũ khí hạt nhân để uy hiếp Nga… Ông cảnh báo rằng, chính quyền Moscow không thể không phản ứng với mối đe dọa thực sự này.

Ông Putin khẳng định, đây không phải là một “mối đe dọa vu vơ”, với việc Ukraine sở hữu công nghệ hạt nhân và tên lửa từ thời Liên Xô, hoàn toàn có đủ khả năng để chế tạo ra vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng, Moscow thậm chí không thể loại trừ nguy cơ Ukraine nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân, với hàng tỷ đô la hỗ trợ quân sự mà các quốc gia NATO đã cung cấp cho nước này trong những năm gần đây.

Ông Putin còn cảnh báo, việc Ukraine gia nhập liên minh phương Tây sẽ trở thành một “mối đe dọa trực tiếp” đối với an ninh của Nga và các trung tâm huấn luyện của NATO đã được thành lập ở nước này cũng giống như các căn cứ quân sự nước ngoài - điều bất hợp pháp theo Hiến pháp của Ukraine.

Nếu Ukraine là một thành viên của NATO, chắc chắn đất nước này sẽ đóng vai trò như một bàn đạp để từ đó liên minh quân sự phương Tây vốn thường xuyên công khai chỉ đích danh Moscow là đối thủ chính, có thể tấn công, đe dọa đến sự sinh tồn của nước Nga.

Do đó, Nga không còn cách nào khác là phải hành động để bảo vệ đất nước, cộng đồng nói tiếng Nga và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia.