Vụ Công ty Tung Kuang xả thải gây ô nhiễm môi trường:
Nếu đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự
(ANTĐ) - Một lãnh đạo Cục Cảnh sát môi trường khẳng định: trong những ngày tới, các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ họp với các ngành liên quan để đánh giá mức độ hành vi vi phạm của Tung Kuang và thống nhất đường hướng xử lý. Nếu có đủ căn cứ, hành vi vi phạm của Tung Kuang sẽ bị xử lý hình sự.
Đường ống chằng chịt được Công ty Tung Kuang |
Hành trình khám phá “trận đồ bát quái”
Trung tá Võ Anh Tuấn - Đội 1, Phòng 2, Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an cho biết: Cuối năm 2009, chúng tôi nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Ghẽ, đoạn chảy qua địa bàn xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Theo người dân cho biết: môi trường ô nhiễm nghiêm trọng nhất là đoạn sông phía sau Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang (Công ty Tung Kuang) chuyên sản xuất khung nhôm định hình, thanh nhôm…
Nước sông ở đây luôn có màu trắng đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhận được thông tin, Phòng 2 Cục Cảnh sát môi trường đã triển khai lực lượng xuống nắm tình hình. Qua công tác trinh sát, lực lượng công an phát hiện một đường ống nằm sâu cách mặt nước sông Ghẽ 50cm, bắt nguồn từ Công ty Tung Kuang. Đường ống trên được xác định là khởi nguồn của những dòng nước trắng đục, có mùi hôi thối.
Sau những tháng ngày dài kiên trì mật phục, các trinh sát bước đầu xác định được “thời gian” xả thải của Công ty Tung Kuang. Công ty này thường xả trộm về đêm, khoảng từ 20h30 đến 23h30 và xả dữ dội vào những ngày trời mưa to.
Trung tá Võ Anh Tuấn cho biết: song song với mũi trinh sát ở đầu xả thải, một mũi trinh sát khác có nhiệm vụ truy tìm hệ thống xả thải của công ty này. Được biết, đại bản doanh của Tung Kuang rộng gần 80.000m2, việc tiếp cận vào trong không hề dễ dàng bởi tường rào xây cao, lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt 24/24h.
Sau nhiều ngày lên phương án, bằng các biện pháp nghiệp vụ, 2 trinh sát thuộc Phòng 2 đã tiếp cận và “mục sở thị” hệ thống đường ống xả thải như “trận đồ bát quái” chằng chịt, nằm sâu dưới lòng đất.
Phá án
Để có bằng chứng đấu tranh với Công ty Tung Kuang, lực lượng công an đã lấy mẫu nước từ đầu xả thải để tiến hành phân tích trước. Một vấn đề đặt ra, làm cách nào để lấy được mẫu nước vì ống xả thải nằm sâu dưới lòng sông.
Nhiều giải pháp được lựa chọn: các trinh sát đã bí mật khoan một lỗ nhỏ ở đường ống dẫn nước thải từ công ty Tung Kuang chảy ra sông Ghẽ, song thật bất ngờ, khoảng 200 mét ống dẫn nước thải này được bảo vệ chắc chắn bởi lớp bê tông dày tới nửa mét. Phá lớp bê tông này, lực lượng bảo vệ công ty chắc chắn sẽ phát hiện; trinh sát đã mua một ống nhựa tuồn vào miệng xả thải dưới lòng sông để lấy mẫu, song mẫu nước không đạt yêu cầu.
Cuối cùng, trinh sát nghĩ ra cách, mua một tấm tôn mỏng quây quanh miệng ống xả tạo thành một “con đê” ngăn nước sông tràn vào, sau đó tát hết nước bên trong tấm tôn. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng cũng lấy được mẫu nước chính xác.
Đầu tháng 4-2010, Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an đã chỉ đạo Phòng 2 tổ chức phá án. 20h30 ngày 13-4, các trinh sát phát hiện Công ty Tung Kuang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Ghẽ, đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương; chính quyền và công an sở tại bất ngờ ập vào công ty kiểm tra, bắt quả tang công nhân Nguyễn Quang Chiến đang vận hành máy bơm, bơm nước thải chưa qua xử lý từ các bể thu gom nước thải ra môi trường.
Qua kiểm tra, lực lượng công an xác định, đường ống nước thải từ công ty ra khu xử lý được chia làm 2 nhánh, một nhánh chảy vào khu vực xử lý, một nhánh chạy ngầm dưới lòng đất để chảy ra sông Ghẽ. Liên tục trong 2 ngày 14 và 15-4, Cục Cảnh sát môi trường đã yêu cầu Công ty Tung Kuang hợp tác, tự “khai quật” hệ thống xả thải ngầm dưới lòng đất. Nhiều máy móc, thiết bị, thậm chí cả máy xúc đã được huy động đến hiện trường đào bới, tìm kiếm những đường ống chằng chịt được chôn lấp sâu tới 3 mét dưới lòng đất.
Trung tá Lê Quang Đồng, Phó phòng 2 nhận định: bể chứa thu gom nước thải của Công ty Tung Kuang có khối lượng khoảng 500m3, được bơm thường xuyên qua hệ thống đường ống ngầm này, thải ra môi trường nhiều hóa chất độc hại như chrome 6 (cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép), manggan, sắt... đều có nồng độ vượt quy định.
Đến nay, hành vi vi phạm của Công ty Tung Kuang đang được cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá, đưa ra hình thức xử lý thích đáng. Song, một câu hỏi đang được nhiều người đặt ra: Với hệ thống ống ngầm sử dụng để xả trộm nước thải nằm sâu hơn đường ống dẫn vào hệ thống xử lý nước thải được lắp đặt năm 2002, phải chăng hành vi vi phạm của Tung Kuang nằm trong tính toán của công ty?
Đường ống bí mật này đã được lắp đặt ngay từ giai đoạn xây dựng? Sau Vedan, Miwon, “sự cố” mang tên Tung Kuang một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về tình trạng một số doanh nghiệp nước ngoài vì lợi nhuận, cố tình gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.
Thu Hạnh