"Nếu để xảy ra xung đột, thì tất cả cùng thua"

ANTD.VN - Ngày 30-8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu tại Đối thoại Singapore (Singapore Lecture) lần thứ 38 do Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức. Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam tham dự và phát biểu tại Đối thoại Singapore.

"Nếu để xảy ra xung đột, thì tất cả cùng thua" ảnh 1Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Singapore

Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) là một tổ chức độc lập, được thành lập theo một đạo luật của Quốc hội năm 1968 với một trong những mục tiêu chính là trở thành trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, an ninh và chính trị - xã hội và những diễn biến ở khu vực Đông Nam Á. Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mang chủ đề “Đoàn kết, chung sức hành động, cùng phát triển bền vững” đã thu hút sự quan tâm của khoảng 550 đại biểu, trong đó nhiều lãnh đạo, quan chức Chính phủ Singapore.

Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc của giới học giả, các nhà nghiên cứu tại Đối thoại Singapore đối với quan hệ Việt Nam - Singapore. Điều này cũng cho thấy các nhà lãnh đạo Singapore, cũng như các học giả, nhà nghiên cứu mong muốn cùng chia sẻ, chung sức hành động vì một Đông Nam Á ổn định, hợp tác và phát triển; một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển mình với nhiều cơ hội và thách thức. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, bên cạnh thời cơ và thuận lợi, thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt; trong đó, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với quy mô, tần suất, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn... Tính nghiêm trọng của các thách thức rất đáng lo ngại khi tư duy đề cao sức mạnh, coi sử dụng vũ lực như một giải pháp, vẫn còn tồn tại. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Các quốc gia cần cùng nhau chung sức để biến xu thế này thành cơ hội hợp tác, phát triển bền vững và phồn vinh.

Đánh giá về tình hình khu vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là một trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - chiến lược, kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới. Biển Đông nằm trong lòng khu vực Đông Nam Á, đem lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho các quốc gia trong khu vực mà còn là tuyến giao thông hàng hải huyết mạch của thế giới... “Tuy nhiên, những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên Biển Đông đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực. Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua”, Chủ tịch Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Nhấn mạnh ước vọng về hòa bình, an ninh và phát triển bền vững đối với khu vực càng cháy bỏng hơn bao giờ hết, Chủ tịch nước cho rằng con đường duy nhất để biến ước vọng trở thành hiện thực là tất cả các quốc gia phải đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. 

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, sự phát triển rất đáng khâm phục của Singapore qua 51 năm từ ngày lập nước đến nay là bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao và quan tâm học hỏi kinh nghiệm thành công của Singapore trong việc hoạch định và thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo, coi trọng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước nhanh, bền vững.