Nếu bác đơn, giao dịch “ma” chính thức thành hợp pháp

ANTĐ - Ngày 5-9, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm một vụ án tranh chấp về thương mại. Dù rằng phán quyết cuối cùng chưa được đưa ra, song nhiều người lo ngại rằng nếu bị đơn bị bác đơn kháng cáo thì giao dịch “ma” lập tức trở thành hợp pháp…

Kết luận điều tra bị vô hiệu hóa

Theo Bản án sơ thẩm số 11/2013/KDTM-ST của TAND huyện Từ Liêm (cũ), ngày 7-6-2011, Công ty CP Máy – Thiết bị Dầu khí (gọi tắt là Công ty Dầu khí) ký hợp đồng bán 4.200 tấn phôi thép (tương ứng số tiền hơn 70,4 tỷ đồng) cho Công ty TNHH Thương mại và Khai thác khoáng sản Đức Hùng (gọi tắt là Công ty Đức Hùng). Công ty này cam kết, sẽ thanh toán 100% giá trị hợp đồng cho Công ty Dầu khí trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày hai bên ký biên bản giao nhận hàng hóa và xuất hóa đơn. 

Mặc dù ký kết hợp đồng là vậy, song Công ty Đức Hùng không hề có đủ vốn mà phải dựa vào chứng thư bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Hồng Hà (gọi tắt là Agribank Hồng Hà). Do đó, cùng ngày ký hợp đồng với Công ty Dầu khí, Công ty Đức Hùng đã được Agribank Hồng Hà (thời điểm đó do  ông Đỗ Đức Hưng làm giám đốc) phát hành thư bảo lãnh thanh toán đối với toàn bộ giao dịch mua bán phôi thép. Cũng ngay trong ngày 7-6-2011, Công ty Dầu khí đã giao cho Công ty Đức Hùng 4.185 tấn phôi thép, tương ứng với số tiền 70,2 tỷ đồng và bàn giao hóa đơn GTGT. Tuy nhiên, đến ngày 27-10-2011, Công ty Đức Hùng mới trả được cho đối tác 25,7 tỷ đồng. Không lấy được tiền từ doanh nghiệp ký hợp đồng mua hàng, Công ty Dầu khí khởi kiện Agribank Hồng Hà ra tòa án yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với số tiền mua phôi thép còn lại là 44,7 tỷ đồng và bồi thường 16,6 tỷ đồng tiền lãi phát sinh... Với yêu cầu khởi kiện đó, ngày 11-7-2013, TAND huyện Từ Liêm đã tuyên buộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (chủ quản của Agribank Hồng Hà) phải trả cho Công ty Dầu khí tổng cộng gần 62 tỷ đồng.

Không đồng tình với phán quyết của cấp tòa sơ thẩm, Agribank Hồng Hà lập tức có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án với lý do giao dịch giữa Công ty Đức Hùng và Công ty Dầu khí thực tế chỉ là một cuộc mua bán trên giấy tờ và điều quan trọng hơn là Đỗ Đức Hưng đã vi phạm hàng loạt quy định về tín dụng, ngân hàng. Nói cách khác là cựu Giám đốc Agribank Hồng Hà ký phát hành bảo lãnh thanh toán trái phẩm quyền nên hợp đồng bảo lãnh của Agribank với Công ty Đức Hùng đương nhiên vô hiệu. Đó cũng chính là quan điểm của phía bị đơn trong quá trình vụ án được giải quyết tại giai đoạn sơ thẩm. Cùng với các căn cứ ấy, tại phiên tòa sơ thẩm, Agribank Hồng Hà còn giao nộp cho HĐXX Bản kết luận điều tra của CQĐT – Bộ Công an về vụ án Đỗ Đức Hưng cùng đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Điều 179-BLHS. 

Kết luận điều tra thể hiện rõ, cựu Giám đốc Agribank Hồng Hà Đỗ Đức Hưng đã có hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, nhất là vấn đề bảo lãnh thanh toán cho một số doanh nghiệp. Trong đó, việc mua bán 4.185 tấn phôi thép giữa Công ty Dầu khí và Công ty Đức Hùng là một giao dịch lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp khác chỉ để nhằm xuất hóa đơn GTGT. Mặc dù đây là tài liệu đặc biệt quan trọng trong tố tụng hình sự, song TAND huyện Từ Liêm lại không hề kiểm chứng mà chỉ vin vào việc kết luận điều tra do bị đơn cung cấp không đóng dấu giáp lai nên không thể coi là chứng cứ để xem xét giải quyết vụ án.

Tránh gây tiền lệ… xấu

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện bị đơn tiếp tục giữ nguyên nội dung và quan điểm kháng cáo đề nghị hủy án sơ thẩm, đồng thời đề nghị ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ phiên xét xử Đỗ Đức Hưng xong. Bất ngờ, ở phần thủ tục phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Agribank Hồng Hà đã đề nghị HĐXX thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa với lý do vị này thiếu vô tư, khách quan trong quá trình giải quyết vụ án.

Cụ thể, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Agribank Hồng Hà đã liên hệ được, đồng thời đề nghị ông Đỗ Hữu Bách – Giám đốc Công ty Đức Hùng ở vào thời điểm công ty này ký kết hợp đồng mua phôi thép của Công ty Dầu khí ra tòa khai báo về sự việc đã diễn ra trước đây. Ở phiên tòa ngày 15-8 vừa qua, cựu Giám đốc Công ty Đức Hùng bước đầu không thừa nhận chữ ký trong hợp đồng mua bán thép là của mình. Ông này còn khẳng định không biết phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào lúc nào vì không nhận được giấy triệu tập của Tòa án Từ Liêm. Thế nhưng điều lạ là hồ sơ vụ án lại thể hiện ông Bách từng có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm. Vì thế, phiên tòa hôm ấy đã buộc phải hoãn lại để làm rõ bút tích của ông Bách theo yêu cầu của bị đơn. Tuy nhiên đến phiên tòa ngày 5-9, phía bị đơn cho rằng vị chủ tọa HĐXX phúc thẩm chưa giám định chữ ký của ông Bách, do đó, bất ngờ đề nghị thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Mặc dù vậy, HĐXX phúc thẩm quyết định vẫn tiến hành phiên tòa như bình thường vì không có căn cứ cho thấy chủ tọa phiên tòa thiếu vô tư, khách quan. 

Trình bày trước phiên tòa, ông Bách một lần nữa khẳng định chữ ký trong bản hợp đồng mua bán phôi thép với Công ty Dầu khí không phải là của mình. Trong khi đó, đại diện nguyên đơn giữ quyền im lặng về bản hợp đồng mua bán phôi thép, đồng thời cũng từ chối trả lời luôn cả việc lấy đâu ra 4.185 tấn phôi thép để bán cho Công ty Đức Hùng. Nguyên đơn trước sau chỉ khẳng định   Agribank Hồng Hà đơn phương đưa ra phát hành bảo lãnh thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình, còn sai phạm của Đỗ Đức Hưng thế nào thì đó là việc nội bộ ngân hàng và ông ta phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Quá trình tranh luận, đại diện bị đơn và các luật sư tiếp tục “mổ xẻ”, phân tích về sự bất hợp pháp, bất hợp lý của hợp đồng mua bán phôi thép cũng như hợp đồng bảo lãnh khoản tiền hơn 70 tỷ đồng do Đỗ Đức Hưng ký, phát hành. Một trong hai luật sư của bị đơn khuyến cáo HĐXX cần phải hết sức thận trọng. Bởi chỉ trong cùng một ngày ngắn ngủi (7-6-2011) nhưng các bên liên quan lại tiến hành hàng loạt công việc từ ký kết hợp đồng, phát hành bảo lãnh đến vận chuyển, giao nhận hàng nghìn tấn phôi thép và xuất hóa đơn là điều không tưởng. Bên cạnh đó, kết luận điều tra vụ án Đỗ Đức Hưng cùng đồng phạm cũng đã chỉ ra rằng, giao dịch giữa Công ty Đức Hùng và Công ty Dầu khí có nhiều dấu hiệu mờ ám.

Với nội tình của vụ án và diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm, nhiều người lo ngại, nếu quả thực giao dịch giữa Công ty Đức Hùng và Công ty Dầu khí là giao dịch “ma” mà HĐXX lại bác đơn kháng cáo của bị đơn thì hệ lụy của nó là vô cùng nghiêm trọng. Theo kế hoạch, hôm nay (8-9), TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết về vụ án.