Nét văn hoá tâm linh độc đáo vùng Hưng Lộc

ANTĐ - Nằm ngay ven sông Đào, thôn Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có một quần thể di tích gồm chùa và đình hết sức độc đáo.

Theo sử sách, chùa Phúc Lộc (còn gọi là Phúc Lộc tự) được xây dựng vào khoảng năm 1440. Cùng nằm trong khuôn viên đó là đình Hưng Lộc (được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia từ năm 1993). Đối chiếu cuốn thần tích “Hưng Lộc thôn thần từ sự tích” có niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 12 (1751), do La Lai thám hoa, Thượng thư bộ Hộ Nguyễn Huy Oánh ghi cùng với truyền thuyết địa phương thì đền thờ Tướng quân Phạm Cự Lượng và các vị tổ khai khẩn lập làng.

Nghệ thuật chạm khắc đặc biệt của đình Hưng Lộc

Theo sử sách và phân loại di tích, đình Hưng Lộc là một di tích kiến trúc nghệ thuật mang tín ngưỡng dân gian. Cuốn thần phả “Hưng Lộc thôn, thần từ sự tích” ghi rằng: Phạm Cự Lượng sinh ra trong một gia đình dòng dõi quý tộc, lại có tư chất thông minh, chăm chỉ học hành nên ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng văn võ song toàn. Ông được Đinh Tiên Hoàng tin dùng phong làm Tâm phúc Tướng quân coi bảo vệ Hoàng thành. Đến đời vua Lê Hoàn, Phạm Cự Lượng cùng tham gia cuộc chiến chống quân xâm lược Nam Tống trên sông Bạch Đằng, được phong chức Thái úy tham tán nhung vụ. Sau đó ông tiếp tục cùng Lê Hoàn tiến quân trừng phạt Chiêm Thành. Sau này triều đình giao cho công việc đào một dòng sông từ Đồng Cổ đến Ba Hòa (tức từ Đan Nê, Yên Định đến Đồng Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hóa ngày nay). Ông lâm bệnh nặng và qua đời tại doanh trại Đồng Cổ. Nhân dân Đồng Cổ đã lập đền thờ ông với thần hiệu “Lê triều tiên phong Đại tướng quân, Thái úy Đồng Cổ sơn thần”

Nét văn hoá tâm linh độc đáo vùng Hưng Lộc ảnh 2

Tướng quân Phạm Cự Lượng.

Đình làng Hưng Lộc được xây theo lối tiền chữ nhất hậu chữ đinh bao gồm Tiền tế, Trung đình và Chính tẩm (hậu cung). Hậu cung gồm bốn gian, hai gian lợp mái trước, sau xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai và được dựng vuông góc với Trung đình tại vị trí gian giữa. Tính từ ngoài vào trong Hậu cung có năm bộ vì, được đánh số từ một đến năm. Bộ vì thứ nhất dựng trên hai cột quân sau gian giữa Trung đình, có kết cấu theo kiểu ván mê, là một ván gỗ dày hình tam giác cân, được đặt trên cật quá giang, làm nhiệm vụ đỡ xác hoành mái Hậu cung. Bộ vì thứ ba được làm kiểu vì kèo quá giang - trụ báng. Các bộ còn lại đều làm theo kiểu chồng rường. Mỗi bộ vì gồm hai con rường chồng khít lên nhau, ngắn dần về phía trên theo chiều dốc của mái.

Liên kết ở hiên là kiểu dùng đòn bẩy. Phần lối đi ngăn giữa Hậu cung và Trung đình được lắp hệ thống cửa bức bàn để ngăn gian trong cùng của  Hậu cung thành một khu riêng, nơi đặt ngai, tượng thờ Thành hoàng Phạm Cự Lượng.

Đặc biệt là hậu cung được trang trí bởi các mảng trang trí điêu khắc vô cùng sống động, hài hòa đã tạo nên những nét đặc trưng riêng biệt. Nghệ thuật điêu khắc trang trí ở đình Hưng Lộc khá phong phú, đa dạng trên các chất liệu như đám gạch, vôi, gỗ với các đề tài linh vật: Rồng, phượng, lân, voi…, hoa lá, con người…với những thủ pháp trạm nổi, kênh bong, chạm lộng… tất cả toát lên vẻ tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân đương thời. Như mọi công trình kiến trúc tôn giáo của người Việt, rồng là đề tài chủ đạo, chiếm số lượng lớn trong các bộ phận trang trí của đình Hưng Lộc. Rồng tượng trưng cho sức mạnh, ước muốn vươn lên, rồng cũng là biểu tượng của Vương quyền và thần quyền. Đồng thời biểu tượng của rồng mây còn gắn với ước mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt của cư dân nông nghiệp.

Nét văn hoá tâm linh độc đáo vùng Hưng Lộc ảnh 4

Nghệ thuật điêu khắc

Nói về điêu khắc của đình Hưng Lộc, đặc biệt nhất phải kể đến những điêu khắc trang trí trên chất liệu gỗ. Hình tượng rồng ở đây thật sự là những tác phẩm để lại nhiều giá trị sâu sắc. Nét  đặc sắc nhất thể hiện ở đề tài lưỡng long chầu nhật ở trên bộ vì ván mê bên ngoài hậu cung. Một vòng tròn ở chính giữa được tô màu đỏ. Hai bê là một đôi rồng lớn đang chầu vào mặt trời. Rồng với cái đầu khá lớn, nổi bật, trán dô, mắt lồi, mặt giữ tợn, bờm, tóc, đao mắt mềm mại bay ngược về sau, thân uốn khúc, xung quanh là mây ám, rùa phượng, hoa sen… mang đặc trưng phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Bên cạnh đó Khu Trung đình là hình ảnh rồng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, thời Hậu Lê rất đặc sắc. Ở thời Nguyễn các con rồng thường không đứng độc lập mà được mô tả với các đề tài khác như: phượng, rùa, hoa sen, vân mây, lá lật… Chúng có đặc điểm chung là  đều được tạo với chiếc đầu khá lớn so với thân, mắt tròn lồi, sừng nhọn, miệng rộng, khuôn mặt dữ tợn… được chạm tách rời riêng và gắn vòa mảng chính bởi một đinh chốt gỗ. Trong khi các con rồng thời hậu Lê ngoài những nét chung thì mỗi con lại có một vẻ riêng. Con thì có cổ trơn, con thì có vảy xếp lớp, toàn bộ râu rồng nhưng những đao mác cuôn cuộn bay ngược ra sau và thường được tạc trong tư thế lao từ trên xuống gần tới nền, uốn lượn vòng quanh cột, đầu hơi ngóc lên. Từ đầu và thân rồng vươn ra các đao lửa nhọn, mập mạp, khỏe khoắn, ngùn ngụt đầy sức sống. Phía trên bộc cửa là những con rường chồng khít lên nhau, sát tới nó mái. Trên thân rường chạm dày đặc các đề tài rồng ổ “ long vân tụ hội”. “Đây là bội thu đầu rồng với đao lửa tỏa ra nhiều hướng không một nét trùng lặp. Lẩn vào quãng giữa, hai con rồng chầy vầng lửa tròn, con lớn, con nhỏ phá vỡ đối xứng kinh điển. Toàn bộ bố cục chạm bong tuyệt xảo này là một hợp tấu những đường lượn phức tạp nhưng thật hài hòa”…

Cùng với đề tài rồng, những mảng chạm khắc trang trí mang đậm tín dân gian sâu sắc với nhiều đề tài phong phú thể hiện đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng được coi là một công trình nghệ thuật đặc biệt quý và lạ của đình Hưng lộc. Tiêu biểu nhất phải kể đến bức chạm độc đáo được treo trên cung cấm với đề tài “Nam nữ tình tự”  mà nghệ nhân thể hiện đề tài dưới một khóm trúc hóa long, bên trên đám mây có tiên cưỡi rồng. Bên dưới, phần giữa bức chạm là cảnh một nam giứoi cởi trần, đóng khố đang ôm vai một thiếu nữ.  Người nữ đứng yên vẻ e thẹn, một tay cầm một túi trầu. Trong khi đó người đàn ông răng khểnh, rốn sâu nghiêng đầu cười ngặt nghẽo, một tay chống về phía sau khiến tư thế hài hước càng rõ nét, tay trái thì chỉ vào người bạn tình tỏ ý đùa cợt. Còn bên cạnh người nữ kia có một ông già đứng thông cảm quay mặt đi với vẻ suy tư. Bốn người đứng dưới cụm trúc hóa long với bốn tâm trạng khác nhau.

Đây là cảnh sinh hoạt giữa nam và nữ khá tự nhiên được chạm khắc cực kỳ táo bạo và tinh tế, nhất là vào thế kỷ XVII, đạo Nho đang thịnh, quan điểm “Nam nữ thụ thụ bất thân”; “Trọng nam khinh nữ” đang là sự bất bình trong xã hội. Vậy mà các nghệ nhân tài ba đã chạm khắc đề tài này lại đưa bức chạm vào cung cấm, đây là một nếp nghĩ phóng khoáng, vượt mọi rào cản, một phương pháp đấu tranh đặc biệt cho thấy nghệ thuật đã phản ánh một cách chân thực bức tranh xã hội đương thời, là tấm gương phản chiếu đời sống của người xưa. Đây chính là giá trị vô cùng to lớn mà đình Hưng Lộc đã lưu lại cho thế hệ sau.

Bảo tháp Đại Bi tại chùa Phúc Lộc

Chùa Phúc Lộc tính tới nay đã ngót 600 năm. Hiện nay chùa còn đang lưu giữ một số báu vật quý như: Chiếc chuông đồng cổ treo trên gác trước cổng trên có ghi: “Hoàng triều Cảnh Hưng. Vạn Vạn Niên. Chi nhị thập Tam Tuế” (như vậy có thể thấy Quả chuông cổ này được đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 13 vào khoảng năm 1762.

 

Giếng Ngọc

 Theo thần phả của làng, trong khu vực nội tự di tích trước đây còn có khu đền thờ ông tổ khai khẩn lập nên làng Hưng Lộc. Thời gian chiến tranh, ngôi  đền bị tàn phá, đồ thờ đã phải chuyển sang đình. Hiện nay ban thờ tổ khai khẩn đặt ở phía trước tòa chính tẩm. Bốn họ Bùi, Lương, Hoàng, Phạm về đây khai hoang vùng bãi biển và dựng lập làng xã đã hàng ngàn năm nay, riêng ông tổ Bùi Đức Công là Hữu Giám quan, được phong tặng Uy linh thượng thần. Ông đã giúp cho dân làng khai khẩn trên 300 mẫu ruộng, dành cho thần từ, phật tự tới 14 mẫu. – Chi tiết này là một minh chứng xác định về mặt thời gian cũng như giá trị về mặt nghệ thuật, chứng tích của cụm di tích đình và chùa tại nơi này.

Với tinh thần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa mà cha ông để lại, với tâm nguyện hoằng dương Phật pháp vì lợi ích dân tộc, nhiều người con của vùng đất Nghĩa Thịnh đã phát tâm khởi dựng Bảo tháp Đại Bi  trong khuôn viên của chùa thuộc quần thể di tích này. Được sự gia hộ của chư Phật, sự giúp đỡ của Tỉnh hội Phật Giáo Nam Định và sự hỗ trợ từ các nhà Hảo tâm, Phật tử, Thiện trí thức công đức Bảo Tháp đã bắt đầu khởi công từ ngày 17 tháng 11 năm 2010 (tức ngày 10 tháng 10 năm Canh Dần). 

Bảo Tháp được thiết kế toạ lạc trong khuôn viên chùa Phúc Lộc nằm giữa 2 cây bồ đề cổ thụ. Mặt chính của Bảo tháp quay về hướng Nam, trước mặt là hồ nước trong xanh hình chữ nhật, dưới hồ được thiết kế một toà tháp với pho tượng Đức Phật Di Lặc là biểu hiện cho Đức Phật trong tương lai có Hoa sen thả xung quanh. Phía bên trái và bên phải Bảo Tháp có hai hồ sen nhỏ được gọi là Thanh Tịnh Hồ, hay còn gọi là Hồ Tẩy Trần. Đây là khu đất đắc địa đầy linh khí như một đặc ân mà trời đất đã dành cho dân chúng trong vùng.

 

Bảo Tháp Đại Bi. 

Bảo tháp được xây dựng 13 tầng với chiều cao 48m, tượng trưng cho 48 hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà ở nơi thế gian và Phật Quan âm là người đã thực hiện các hạnh nguyện của Đức A Di Đà nơi tại thế với tinh thần ĐẠI BI CHÚ và PHỔ MÔN KINH. Tháp có cấu trúc phía bên ngoài là hình bát giác, 8 cạnh bằng nhau, phân bố theo 8 hướng: Đông – Tây – Nam - Bắc - Đông nam - Đông bắc - Tây nam và Tây bắc. Hình bát giác biểu hiện cho Bát chính đạo, khiến cho khách tham quan và với mỗi chúng sinh khi nhìn vào Bảo tháp sẽ biết được ý nghĩa, thể nhập vào tâm thức tư duy của Bát chính đạo mà đức Phật đã chỉ dạy, đó là con đường đưa chúng sinh đến chỗ giác ngộ và giải thoát, gồm 8 điều chân Chánh, đó là: Chính kiến - Chính tư duy - Chính ngữ - Chính nghiệp - Chính mạng - Chính tinh tấn - Chính niệm và Chính định.  

Tầng một có ba cửa chính được bố trí trên ba cạnh của bát giác. Tam Bảo đặt tại tầng một, chính giữa thờ Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật trong tư thế đại định, bên trái là ngài Phổ Hiền biểu lộ cho lòng từ bi, bên phải là ngài Văn Thù biểu lộ cho trí tuệ. 84 pho tượng Phật trong đàn pháp ĐẠI BI là hóa thân của các chư vị Bồ Tát. Mỗi pho tượng là biểu hiện cho một sự hiển tướng của Quan âm, với lòng yêu thương chúng sinh vô lượng, vô biên. Ngài đã thực hiện những hạnh nguyện Bồ tát luôn luôn phổ độ giáo hoá chúng sinh.

 Cấu trúc bên trong tháp là một hình tứ trụ được tạo thành một khối thông suốt theo một trục từ dưới lên đến đỉnh tháp. Bên trong có tổng số 33 pho tượng là hóa thân của đức Quan Âm trong kinh Phổ môn được bố trí đối diện nhau trên mỗi cạnh của hình tứ trụ đó. Tầng thứ 13 là tầng trên cùng, tổng cộng bao gồm 11 pho tượng, trong đó bên ngoài có 8 pho tượng đức A di đà trong tư thế đứng hướng mặt phía trước đại diện cho sự thông suốt trải qua 12 duyên nghiệp đến cảnh giới của tầng thứ 13 là đắc niết bàn với ý nghĩa phổ độ chúng sinh, một tay cầm hoa sen biểu hiện cho sự tiếp dẫn chúng sinh bằng giáo pháp. Hình tứ trụ được thiết kế bên trong bảo tháp có ý nghĩa nhắc nhở chúng sinh hãy luôn ghi nhớ mọi sự vận hành của vạn vật trong vũ trụ đều không nằm ngoài qui luật của quá trình: Thành - Trụ - Dị - Diệt, đó là cái lý vô thường của chúng sinh và tính chất vô thường của vạn vật.

Chính giữa Bảo tháp là khối vuông thông suốt trong mười hai tầng từ tầng 2 đến đỉnh tháp, là sự kết nối của Thập nhị nhân duyên, gồm: Từ Vô Minh (dẫn đến) – Hành - Thức - Danh Sắc - Lục Căn – Xúc - Thọ - Ái - Thủ - Hữu – Sanh – Lão - Tử. Đây là mười hai yếu tố liên hệ tương hỗ với nhau theo lý duyên sinh và nhân quả, diễn biến trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, đề cập đến vấn đề nguồn gốc của vòng sinh tử luân hồi, nguyên nhân của sự đau khổ, nhằm mục đích giúp chúng sinh thoát ra khỏi mọi đau khổ của đời sống. 

Đặc biệt, tường rào xung quanh còn có 100 cái trụ, trên mỗi trụ được biểu hiện một âm thần chú, tượng trưng cho bài chú trăm âm của pháp hội KIM CANG hộ trì nơi thánh địa này. Ý nghĩa rộng lớn hơn là bảo vệ đại địa, bảo vệ cho mọi chúng sinh trên trái đất luôn sống trong hoà bình, an lạc, hạnh phúc. Đó cũng là 100 chữ Phúc lan toả từ tháp đại bi đến với tâm thức của mọi chúng sinh luôn được phước lành của chư Phật cho bách gia trăm họ.

Bảo Tháp được xây dựng theo giáo lý Phật giáo. Cấu trúc của Bảo Tháp tương ứng với Thân của Phật ngồi Kiết già trên toà Sư tử, tượng trưng cho Phật Quả, cho Trí toàn giác của Chư Phật. Về mặt hữu vi, Bảo Tháp chứa những Xá lợi, Kinh Điển, lời Đại Nguyện, hình tượng Phật, Bồ tát, Mandala, các Thánh vật Kiết tường..v.v.. là những biểu tướng sai biệt của Đại Trí và Đại Bi. Về mặt chân lý tuyệt đối, Bảo Tháp là nơi thọ nhận Pháp Thân, tức là Tâm của Chư Phật. Một Bảo tháp xây dựng theo đúng Đàn Pháp sẽ nhận được lực gia trì của Chư Phật, Bồ Tát mười phương và có năng lực mang lại an lạc cát tường cho vùng xung quanh, nhất là sự hộ trì tâm linh cho những hành giả tu tập.

Phật có 3 hiện thân: Thân hiện tướng tại thế gian gọi là Báo thân; thân hiện tướng cảnh giới các cõi trời gọi là Báu thân; còn thân ở cảnh giới tuyệt đối Niết bàn của Chư Phật gọi là Pháp thân - Hiện tướng nhiều chân nhiều tay là thông suốt và xuyên suốt mọi cảnh giới trong các cõi lục đạo luân hồi, tiếp dẫn chúng sinh về miền cực lạc. Với ý nghĩa như vậy, Bảo tháp này được thiết kế gồm 3 phần: Tầng thứ nhất thể hiện cho Báo thân Phật. Từ tầng 2 đến tầng 13 thể hiện cho Báu thân Phật và trên đỉnh tháp là thể hiện cho Pháp thân Phật. Điều đặc biệt của bảo tháp được thể hiện ở chỗ trên đỉnh tháp được thiết kế theo hình chóp, được bài trí xá lợi Phật và ở 8 phương được gắn bởi 8 viên đá quí luôn luôn phản chiếu ánh sáng của chư Phật với pháp lực vô biên của bảo tháp hiện ra luôn rọi ánh hào quang của Phật pháp để ban phúc lành đến cho dân chúng. Đó cũng là phần tiếp xúc với không gian vô tận, giúp cho mọi chúng sinh có thể ngắm nhìn bảo tháp từ xa luôn luôn thức tỉnh, hướng về Phật pháp, được an lạc hạnh phúc và khai mở trí tuệ.  

Khởi nguồn từ một vùng đất mà mỗi tên làng, tên huyện, tên thôn, tên xã đều gắn với chữ Hưng, chữ Thịnh, chữ Lộc (Hưng lộc, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng), quần thể di tích gồm Đình – chùa – tam phủ (Phủ Tây, Phủ Nam, Phủ đông) đặt ở xung quanh này đang lưu giữ những giá trị văn hóa vô cùng quý báu do cha ông để lại. Và, với sự linh ứng của Bảo tháp Đại Bi, chắc chắn mảnh đất này sẽ ngày càng hưng thịnh và trí tuệ ngày càng tỏa chiếu.