Nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào để khởi nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện nay, pháp luật Việt Nam ghi nhận 05 loại hình doanh nghiệp, bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), Công ty cổ phần, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh. Vậy, loại hình doanh nghiệp nào phù hợp với các startup?

Đặc điểm của các loại hình doanh nghiệp

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, mỗi một loại hình doanh nghiệp có đặc điểm riêng với những ưu, nhược điểm khác nhau. Cụ thể:

Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH)

Loại hình công ty TNHH gồm công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty TNHH một thành viên.

Công ty TNHH từ hai thành viên trở lên

Công ty TNHH từ hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 - 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Các thành viên trong công ty chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp của mình về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp, trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Loại hình doanh nghiệp này có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, công ty TNHH không được phát hành cổ phần mà chỉ được phát hành trái phiếu..

Công ty TNHH một thành viên

Khác biệt ở công ty TNHH một thành viên so với công ty TNHH hai thành viên nằm ở số lượng thành viên là chủ sở hữu. Theo đó, loại hình công ty này chỉ do một tổ chức hoặc cá nhân làm chủ sở hữu.

Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

Tương tự như công ty TNHH hai thành viên, công ty một thành viên có tư cách pháp nhân, được phát hành trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu riêng lẻ nhưng không được phát hành cổ phiếu.

Lựa chọn mô hình doanh nghiệp là bước đầu tiên của các startup
Lựa chọn mô hình doanh nghiệp là bước đầu tiên của các startup

Công ty cổ phần

Một trong các loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay là công ty cổ phần. Loại hình doanh nghiệp này có vốn điều lệ (được chia thành nhiều phần bằng nhau và gọi là cổ phần).

Cổ đông có thể là tổ chức hoặc cá nhân; số lượng tối thiểu là 03 cổ đông và không giới hạn số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

Bên cạnh việc có tư cách pháp nhân thì đây là loại hình doanh nghiệp duy nhất được quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác.

Công ty hợp danh

Công ty hợp danh không phổ biến, trên thực tế chỉ một số công ty hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, bảo vệ… lựa chọn loại hình doanh nghiệp này.

Đây là các công ty có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung (gọi thành viên hợp danh). Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

Ngoài thành viên hợp danh còn có thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân nhưng không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Doanh nghiệp tư nhân

Trong các loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân là loại hình được nhiều người lựa chọn cho quy mô kinh doanh nhỏ. Đây thường là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân và không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

2. Startup nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào?

Các loại hình doanh nghiệp đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, đối với những người mới khởi nghiệp thì mô hình công ty TNHH một thành viên được cho là phù hợp hơn cả.

Trong công ty TNHH một thành viên, những người chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp theo số vốn đã góp, không phải chịu trách nhiệm “vô hạn” bằng toàn bộ tài sản của mình như loại hình doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh. Điều này giúp cho những chủ sở hữu hạn chế được rất nhiều rủi ro trong trường hợp doanh nghiệp không may lâm vào khó khăn hay tệ nhất là phá sản.

Công ty TNHH một thành viên cũng có tư cách pháp nhân, giúp cho chủ sở hữu có thể làm các thủ tục vay vốn ngân hàng bằng tên của công ty, không phải bằng tư cách cá nhân. Việc được phát hành trái phiếu cũng là một điểm cộng lớn của loại hình doanh nghiệp này, giúp công ty có thể dễ dàng huy động vốn từ bên ngoài.

Với những người đang ở giai đoạn khởi nghiệp, việc có cơ cấu tổ chức đơn giản, gọn nhẹ giúp việc quản lý và vận hành doanh nghiệp dễ dàng hơn. Do đó, việc chỉ có một cá nhân hay tổ chức làm chủ sở hữu được coi là một lợi thế của công ty TNHH một thành viên so với công ty hai thành viên trở lên và công ty cổ phần.

Trong giai đoạn khởi sự kinh doanh, các doanh nghiệp thường gặp không ít khó khăn liên quan đến các thủ tục và các vấn đề pháp lý. LuatVietnam.vn là một website được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tra cứu văn bản pháp luật mới nhất liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình.

Đồng thời, thông qua dịch vụ Pháp lý doanh nghiệp, LuatVietnam còn hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp về các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động, hỗ trợ soạn thảo, review hợp đồng… giúp doanh nghiệp loại bỏ rủi ro pháp lý.