Nên chung sống hòa thuận

ANTĐ - Dự kiến, trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới, dự thảo Luật Giáo dục đại học (đang trong giai đoạn hoàn thiện) sẽ được trình để Quốc hội đóng góp ý kiến và thông qua. Một trong những nội dung quan trọng được giới chuyên gia, các nhà quản lý, đặc biệt là xã hội quan tâm là sự tồn tại giữa đại học công và đại học tư. Vấn đề không phải là đại học tư tồn tại hay không, mà là tồn tại như thế nào cùng với sự hoàn thiện cơ chế pháp lý, giám sát và đánh giá chất lượng.

Cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta liên tục đạt được những con số ngoạn mục, nhưng chưa đủ lực để “ôm trọn” đầu tư vào mọi lĩnh vực phúc lợi mang tính chất lợi ích cộng đồng như y tế, giáo dục - đào tạo… Bởi thế chủ trương xã hội hóa là bước đi cần thiết và tất yếu. Sự quá tải của các trường đại học công, bệnh viện công, cùng với những bất cập cho thấy sự ra đời của các cơ sở tư nhân không chỉ để góp phần giảm áp lực, mà còn là chất xúc tác kích thích sự cạnh tranh công - tư lành mạnh, là sự kiểm chứng về hiệu quả hoạt động. Mấy năm nay, các trường tư, đại học tư phát triển khá rầm rộ, song dường như chưa có được vị thế vững chắc trong luật pháp cũng như trong quan niệm của xã hội.

Không như các nước Tây Âu hoặc Mỹ đã tồn tại hàng trăm năm những trường đại học danh tiếng và uy tín trên thế giới. Đại học tư ở ta ra đời, lập tức vấp ngay phải những rào cản định kiến kiên cố của xã hội. Hệ lụy là tạo ra xu hướng phân biệt đối xử trong tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào cơ quan công quyền cũng như doanh nghiệp, Nhà nước. Bằng cấp đại học tư thường được đón tiếp với thái độ dè dặt, nhạt nhẽo, thậm chí nghi ngờ về kiến thức, trình độ và chất lượng nghề nghiệp. Cũng phải thừa nhận một thực tế, không ít trường đại học tư chạy theo lợi nhuận, tự đánh mất uy tín với những chuyện tai tiếng. Song, những khuyết tật này đâu chỉ xuất hiện trong đại học tư, đại học công cũng không thiếu gì chuyện học giả bằng thật, chạy điểm, chạy trường. Xã hội hóa giáo dục là con đường tất yếu, giáo dục không nên và không thể độc quyền trong sự nghiệp “trồng người”. Nền giáo dục nước nhà còn chậm trong việc hội nhập vào hệ thống giáo dục khu vực và thế giới. Một giáo sư trong ngành đã từng ví hiện tượng học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài là “di cư giáo dục”.

Tính đến năm 2012, đã có khoảng 100.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại một số nước khu vực hoặc Pháp, Mỹ, Anh… Tính bình quân chi phí cho mỗi sinh viên là 500 triệu đồng/năm, thì tổng số tiền mỗi năm mà các gia đình Việt Nam phải chi cho con em mình du học vào khoảng 50.000 tỷ đồng. Một số tiền không nhỏ tương tự như 1 tỷ USD mà những người bệnh trong nước bỏ ra hàng năm để sang các bệnh viện nước ngoài chữa bệnh. So sánh giáo dục với y tế là khập khiễng, song rõ ràng là trong kinh tế thị trường, chi phí càng cao thì sản phẩm càng có chất lượng. Trong khi ở nước ta vẫn còn tranh cãi có nên coi giáo dục đại học là sản phẩm thương mại hay không, thì Tổ chức Thương mại Thế giới đang xem xét đưa ra quy định coi giáo dục đại học như một lĩnh vực thương mại nhằm đẩy mạnh “xuất khẩu” đại học.

Việc đẩy mạnh tính cạnh tranh của giáo dục đại học bằng việc xã hội hóa, đa dạng hóa mô hình giáo dục Việt Nam là điều không cần phải tranh luận. Trường công hay trường tư, trường quốc tế hay trường điểm đều “chung sống” hòa thuận theo mục tiêu mà UNESCO đề ra “Học để biết, học để làm việc, học để hòa nhập, học để tự khẳng định mình”.