Nên bỏ trần lãi suất

ANTĐ - Những tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng khá thấp và có dấu hiệu bất thường gây ra những tranh luận là do chính sách điều hành hiệu quả hay vì người dân thắt chặt chi tiêu? Ý kiến của một số cơ quan quản lý và giới chuyên gia đưa ra những đánh giá nguyên nhân dẫn tới giá cả không tăng cao, trước hết là các giải pháp thắt chặt chi tiêu công đã đem lại hiệu quả tích cực: Kiềm chế lạm phát, chống thất thoát ngân sách. Cũng còn một nguyên nhân đáng kể là sức mua thấp, khả năng chi tiêu thực tế thấp. Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa-tiền tệ, bảo đảm lượng cung tiền hợp lý.

Điều tiết lượng cung tiền hợp lý là để kiểm soát lạm phát thấp hơn (khoảng 6%) trong năm 2014, trên cơ sở đó, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Một tiến sĩ kinh tế bày to lo ngại về nguy cơ thiểu phát là nhãn tiền vì giá cả tăng thấp trong và sau Tết Âm lịch cho thấy sức mua thực tế của người dân tăng thấp bất thường.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ dẫn đến hậu quả là sản xuất bị đình trệ, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ phải sản xuất cầm chừng hoặc tạm dừng vô thời hạn. Nếu sức mua năm nay không được cải thiện thì sẽ rất đáng ngại. Vấn đề quan trọng hàng đầu là cần có những biện pháp chống giảm phát trong năm 2014, vì kinh nghiệm các năm cho thấy, nếu như đầu năm giá cả hàng hóa tăng thấp, thì cả năm nguy cơ giảm phát khá cao. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,55% trong tháng 2, một phần thể hiện vai trò điều hành của Chính phủ, song điều này chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại chủ yếu do cầu yếu.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhận định, khác với mọi năm, người dân thường quen với việc trước tết đương nhiên phải tăng giá, sau tết có giảm chăng nữa thì sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy vậy, năm nay mặt bằng giá mới không bị thiết lập. Rõ ràng là tình hình giá cả đã khiến người dân, người lao động thu nhập thấp “dễ thở” hơn, những diễn biến của kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ cho thấy những điều kiện để có thể kỳ vọng khả năng thả nổi lãi suất trong năm nay. Trong cuộc họp thông báo kết quả điều hành chính sách tiền tệ 2 tháng đầu năm, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ trần lãi suất huy động.

Một chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định đang có nhiều tín hiệu hỗ trợ cho việc thả nổi lãi suất huy động trong năm nay. Một trong những yếu tố quyết định nhất để thả nổi lãi suất là lạm phát. Qua 2 tháng đầu năm, lạm phát không còn là vấn đề đáng lo ngại. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành, thậm chí thả nổi lãi suất huy động nhằm tạo điều kiện để giảm tiếp lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và khơi thông dòng tín dụng.

Nên bỏ trần lãi suất huy động để lãi suất điều chỉnh theo quan hệ cung cầu nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn đúng với giá trị thực. Đối với các ngân hàng, trần lãi suất không còn nhiều ý nghĩa. Bởi vì, khi áp trần thì hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt rào lãi suất vẫn thường xuyên xảy ra.