Năm học mới cần tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bạo lực học đường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 18-8, Bộ GD-ĐT tổ chức triển khai năm học mới trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trên cả nước với yêu cầu khắc phục những tồn tại gây bức xúc dư luận trong năm học trước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024

Chiều 18-8, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành, trực tuyến tới toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2022 - 2023 là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành Giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT; năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 3 và triển khai Chương trình GDPT đối với cấp THPT.

Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương; đặc biệt là quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, học viên; toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2022 - 2023, trong đó có nhiều kết quả tích cực.

Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 29.

Tuy nhiên, đánh giá việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 - 2023, Bộ trưởng vẫn đưa ra một số tồn tại, hạn chế.

Trong đó, nổi bật là tình trạng thiếu giáo viên; tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả.

Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Và vẫn còn thách thức, khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới.

Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố tham góp giải pháp hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ năm học mới.

Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2023 - 2024, toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, trong năm học vừa qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, trường học theo hướng tiến tiến, hiện đại.

Hà Nội là một trong bốn địa phương đầu tiên trong cả nước được công nhận phổ cập THCS mức độ 3.

Với đặc thù Hà Nội có quy mô trường học lớn, nhiều cấp học, nhiều trường chuyên có quy mô lớn việc quản lý gặp khó khăn về định mức cấp phó, Hà Nội kiến nghị điều chỉnh phù hợp với thực tế, bổ sung thêm cấp phó cho các mô hình này.

Bên cạnh đó, Hà Nội kiến nghị sớm triển khai số hoá SGK, sử dụng SGK điện tử phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số. Với mức tăng dân số cơ học, Hà Nội tăng bình quân năm mươi, sáu mươi ngàn mỗi năm học. Để đảm bảo đáp ứng chỗ học cho học sinh, Hà Nội kiến nghị được áp dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay vì diện tích đất trong trường học, cho phép nâng tầng hoặc xây tầng hầm đối với các trường trong nội đô để khai thác đất hiệu quả.