Năm 2030: Người Hà Nội thu nhập 17.000 USD/năm

ANTĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, góp phần định hình TP Hà Nội trong vòng gần 40 năm tới.

Hà Nội cần hàng tỷ USD đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông

Thêm nhiều cầu, đường ngầm vượt sông Hồng

Chiến lược đặt ra yêu cầu, tới năm 2030, người dân Thủ đô có thu nhập cao hơn mức trung bình của cả nước, được hưởng các dịch vụ chất lượng cao, môi trường sống tốt, môi trường làm việc và đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện, an toàn. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hàng năm 12 - 13% thời kỳ 2011 - 2020 và 9,5 - 10% thời kỳ 2021 - 2030. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD, năm 2030 đạt 16.000 - 17.000 USD.

Quy mô dân số năm 2020 là 7,9 - 8 triệu người, năm 2030 là 9,2 triệu người. Thủ đô có cơ cấu dân số hợp lý, chất lượng cao; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,86 - 0,9; tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị năm 2020 duới 5%, năm 2030 dưới 4%.

Chiến lược yêu cầu Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đi trước một bước so với yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô. Hoàn thiện việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn kết với thiết kế và xây dựng các công trình kiến trúc tiêu biểu. Đặc biệt, phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường vành đai nối Hà Nội với các tỉnh và kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Hiện đại hóa các tuyến đường trục giao thông chính của thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố chú trọng xây dựng hệ thống đường xe điện ngầm, đường sắt đô thị (bao gồm tuyến đường sắt trên cao và đường sắt quốc gia). TP sẽ hiện đại hóa hệ thống quản lý giao thông và mạng lưới giao thông tĩnh (các bến xe, bãi đỗ xe...) cũng như tiếp tục xây dựng thêm các cầu và đường ngầm qua sông Hồng với kiến trúc hiện đại. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài.

Chiến lược xác định xây dựng, phát triển chùm đô thị Hà Nội gồm đô thị trung tâm hạt nhân đa hệ, đa tầng, đa chức năng, mạng lưới các đô thị vệ tinh chuyên năng công nghệ cao, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo (Hòa Lạc, Xuân Mai), du lịch - văn hóa - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí (Sơn Tây), công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao (Sóc Sơn), công nghiệp (Phú Xuyên - Phú Minh.


Cần vốn đầu tư khổng lồ

Cũng theo văn bản này, Hà Nội sẽ tập trung phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu của cả nước và có uy tín quốc tế. Có 30% lao động làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ trình độ, chất lượng cao; 10% lao động trong các lĩnh vực sáng tạo như khoa học và công nghệ, thiết kế, tư vấn, sáng tác văn học - nghệ thuật... Trung bình hàng năm, TP sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 140.000 - 150.000 lượt người thời kỳ 2011 - 2020 và khoảng 120.000 - 130.000 lượt người thời kỳ    2021- 2030.

Dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011-2020 là 3.900 - 4.100 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương đương 180 - 190 tỷ USD) và thời kỳ 2021-2030 là 6.500 - 7.000 tỷ đồng (tương đương 300 - 320 tỷ USD). Đặc biệt, Hà Nội sẽ từng bước áp mô hình chính quyền đô thị; xây dựng chính quyền điện tử của Thành phố đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế tri thức và phù hợp với tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử của cả nước.