Năm 2025, vì sao Bộ GD-ĐT chưa giao quyền tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho địa phương?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù khẳng định đã phân cấp mạnh cho địa phương nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chưa trao quyền tự chủ hoàn toàn trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025.
Từ năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT để từng bước tổ chức kỳ thi trên máy tính

Từ năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT để từng bước tổ chức kỳ thi trên máy tính

Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vừa được Bộ GD-ĐT công bố được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh vào việc phân cấp tổ chức nhưng vẫn chưa trao quyền tối đa cho các Sở GD-ĐT từ việc tổ chức thi đến ra đề thi.

Trước thắc mắc về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT phân cấp khá mạnh.

Việc tổ chức thi, xét tốt nghiệp được giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Sở GD-ĐT tới các trường phổ thông với trách nhiệm tổ chức và tự chịu trách nhiệm rất cao.

Bộ GD-ĐT hiện chỉ tập trung vào vấn đề xây dựng ngân hàng đề thi; Xây dựng quy định, quy chế và tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thi. Mô hình tổ chức này đã tỏ ra hiệu quả đặc biệt trong 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, hiện có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành phố cả về năng lực ra đề, tổ chức đánh giá kết quả thi. Vì vậy, Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm việc khó nhất đó là xây dựng ngân hàng đề và ra đề thi.

Đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra ở cả cấp Bộ và địa phương để làm sao kỳ thi có độ tin cậy cao nhất, minh bạch nhất và kết quả kỳ thi phản ánh chất lượng dạy và học, làm căn cứ để các trường xét tuyển.

Cục trưởng cũng giải thích về việc vẫn duy trì việc tổ chức một kỳ thi chung quy mô cả nước đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 trong khi xu thế các trường ĐH sẽ giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi này.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh, mục tiêu của kỳ thi không chỉ xét tốt nghiệp mà có thể giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, kỳ thi có thể đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao nhưng vẫn không thể bỏ hoặc giao tự chủ hoàn toàn cho địa phương bởi cần đối sánh giữa cá thể và cá thể trong quá trình thi, giữa trường với trường, giữa địa phương với địa phương, cuối cùng là tổng thể của ngành và của cả quốc gia.

Kết quả kỳ thi này giúp điều chỉnh chính sách giáo dục sao cho phù hợp. Trong một vài trường hợp có thể điều chỉnh để hỗ trợ từng địa phương trong quá trình phát triển giáo dục.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng nhấn mạnh ba điểm mới được thể hiện trong Dự thảo phương án mới gồm: Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thứ hai, Bộ GD-ĐT muốn nhấn mạnh đến việc định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn từ các môn học chọn học của học sinh, điều này giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em.

Thứ ba, theo lộ trình từ năm 2025-2030, từng bước, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.