Năm 2022, tỉ lệ thất nghiệp toàn cầu vẫn cao, có thể lên 207 triệu người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước khi có Covid-19, ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người.

Theo Báo cáo triển vọng việc làm và xã hội thế giới - xu hướng năm 2022 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mặc dù số liệu dự báo mới nhất cho thấy tình hình việc làm có cải thiện hơn so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn số giờ làm việc toàn cầu trước đại dịch 2%.

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước Covid-19, ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019.

ILO cũng lưu ý rằng, tác động tổng thể đến việc làm lớn hơn đáng kể so với những gì được thể hiện bởi những con số này do nhiều người đã rời khỏi lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Việc hạ dự báo năm 2022, ở một mức độ nào đó, phản ánh tác động mà các biến thể Covid-19 mới như Delta và Omicron gây nên đối với thế giới việc làm cũng như mức độ không chắc chắn đáng kể về diễn biến tương lai của đại dịch.

Báo cáo cho biết việc làm của phụ nữ dự kiến sẽ còn tiếp tục chịu tác động nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng trong những năm tới. Trong khi đó, việc đóng cửa các cơ sở giáo dục và đào tạo “sẽ có tác động cộng gộp lâu dài” đối với thanh niên, đặc biệt là những người không được tiếp cận internet.

Theo ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO cho rằng, không thể có sự phục hồi thực sự từ đại dịch này nếu thị trường lao động không được phục hồi trên diện rộng. Để công cuộc phục hồi mang tính bền vững, sự phục hồi này phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc của việc làm thỏa đáng - bao gồm sức khỏe và an toàn, công bằng, an sinh xã hội và đối thoại xã hội.

ILO cũng đưa ra tóm tắt các khuyến nghị chính sách chính nhằm tạo dựng một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng mang tính toàn diện và lấy con người làm trung tâm cả ở cấp quốc gia và quốc tế. Những khuyến nghị này được đưa ra trên cơ sở “Lời kêu gọi hành động toàn cầu vì một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng Covid-19 lấy con người làm trung tâm mang tính bao trùm, bền vững và có sức chống chịu”, đã được 187 quốc gia thành viên của ILO thông qua vào tháng 6/2021.