Năm 2022: Phát hiện 74 cán bộ kê khai tài sản, thu nhập sai quy định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 10 người.

Xử lý 19 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Theo Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2022, năm qua, các Cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 687 vụ án, 1.439 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó án khởi tố mới 436 vụ và 929 bị can. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý trên 2.984 tỷ đồng, 233.317,5m2 đất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

Bên cạnh đó, đến nay có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập, có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Quá trình kiểm tra, xác minh cũng đã phát hiện một số vi phạm như tình trạng sai sót trong kê khai tài sản, thu nhập như sử dụng biểu mẫu chưa đúng quy định.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 10 người.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 25 đoàn thanh, kiểm tra định kỳ và 40 đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động chào bán, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, chào mua công khai, việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết,... việc tuân thủ quy định pháp luật chứng khoán đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Đặc biệt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Qua đó góp phần phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Thu hồi tiền, tài sản trong các vụ tham nhũng còn tồn đọng lớn

Thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng, Uỷ ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội cho rằng, năm qua, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có bước đột phá mạnh mẽ; kết hợp giữa xử lý kỷ luật, hành chính của Đảng, Nhà nước với xử lý hình sự.

Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra phát hiện, làm rõ nhiều sai phạm và thi hành kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về PCTN, tiêu cực, kể cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Các cơ quan chức năng đã tập trung lực lượng, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh làm rõ, khởi tố mới nhiều vụ án, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các đối tượng sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương quản lý; nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài và những hành vi tham nhũng trước đây ít được phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ… đã được khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời.

Nhiều địa phương đã chủ động phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm.

Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có chuyển biến tích cực trong tất cả các giai đoạn từ điều tra đến thi hành án, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra.

Tuy vậy, theo UBTP, việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế nhất định; chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; một số vụ án phải tạm đình chỉ, chậm tiến độ do bị can bỏ trốn; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn có trường hợp chưa kịp thời, chặt chẽ, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do chờ kết quả giám định, định giá...

Việc tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng trong giai đoạn thi hành án mặc dù tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2021, nhất là đối với số phải thi hành về tiền; tuy nhiên, số có điều kiện thi hành về tiền vẫn còn tồn đọng lớn.

Do vậy, UBTP đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.