Năm 2019, nhóm lao động công nghệ "lên ngôi"

ANTD.VN - Theo dự báo của Cục Việc làm, trong năm 2019, cả nước có khoảng 56 triệu lao động có việc làm. Thị trường lao động sẽ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao.

Dự báo, hiện nay nhu cầu lao động kỹ thuật cao là rất lớn

Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2018 là năm thị trường lao động phát triển theo hướng tích cực. Số người có việc làm tăng hơn rất nhiều so với năm trước. Hiện cả nước có trên 54 triệu lao động có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp.

Mặc dù vậy, chất lượng việc làm còn hạn chế, thể hiện ở năng suất lao động thấp, tỷ lệ người lao động làm việc ở khu vực dễ bị tổn thương cao (56,5% lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản), thu nhập từ việc làm thấp, một tỷ lệ lớn người làm việc không tiếp cận được các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách về an toàn vệ sinh lao động.

Đánh giá về thị trường lao động năm 2019, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung cho biết, với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện.

Năm 2019 kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao. Thị trường lao động sẽ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao, chất lượng lao động được nâng cao. Do đó, những ngành nghề liên quan đến công nghệ sẽ cần lao động nhiều nhất

Việc làm sẽ tiếp tục được tạo ra, dự báo số lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên, khoảng 56 triệu lao động có việc làm. Trong đó, tỷ trọng lao động trong ngành Nông nghiệp chiếm 37,12%, ngành công nghiệp - xây dựng 28,28% và ngành dịch vụ chiếm 34,6%.

Xét theo các nhóm nghề nghiệp, tỷ trọng lao động giản đơn vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 26,5%, tiếp đến là nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ trật tự an toàn xã hội và bán hàng có kỹ thuật chiếm 31,62%, thợ kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị chiếm 12,42%, thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật chiếm 12,47%. Đối với nhóm lao động phổ thông, các ngành dệt may, xây dựng, giày da vẫn sẽ cần nhiều lao động.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung cũng cảnh báo về việc người lao động gặp nhiều thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, cùng với việc phải nâng cao khả năng thích ứng, người lao động cần trang bị thêm kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ.

Lao động phổ thông cần nghiên cứu, tận dụng những gì mình có và tham gia các khóa đào tạo ngắn hoặc dài hạn để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm.

Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong kết nối cung - cầu lao động, thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ việc làm, nhất là đối với các đối tượng yếu thế.