Năm 2015: Thu nhập sẽ tăng 2,5 lần

ANTĐ - Hôm qua, 8-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Theo đó, những chỉ số mục tiêu sẽ phải đạt được vào năm 2015 được xem là rất khó thực hiện ở thời điểm hiện nay.

Lợi nhuận của doanh nghiệp phải song hành với đời sống người dân

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu được Quốc hội quyết định là GDP tăng khoảng 6,5 - 7%, tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm khoảng 33,5% - 35% GDP, giảm dần nhập siêu từ 2012 và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào 2015. Với tỷ lệ bội chi ngân sách, Quốc hội chốt con số dưới 4,5% vào 2015 (có cộng thêm trái phiếu Chính phủ). Tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách không quá 22% - 23% GDP năm. Nợ công đến 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được quyết định ở chỉ tiêu tăng khoảng 5 - 7% vào 2015. Số lao động được tạo việc làm 8 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị đến năm 2015 dưới 4%.

Đáng chú ý, Quốc hội đặt mục tiêu, vào năm 2015, thu nhập thực tế của dân cư sẽ gấp 2-2,5 lần so với năm 2010. Đặc biệt, Nghị quyết cũng nêu rõ, trong những năm tới, sẽ “đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác chiến lược với các nước láng giềng có chung biên giới. Thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, chú trọng vấn đề Biển Đông một cách thỏa đáng, cân bằng trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử khu vực...”.

Chiều cùng ngày Quốc hội đã thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật Giá và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta chiếu cố lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo cuộc sống của người dân. Dù thế nào cũng phải có sự quản lý của Nhà nước về giá. Giá này phải có sự minh bạch, nhất là với một mặt hàng thiết yếu như thuốc, giá điện, dịch vụ y tế… Không nên để doanh nghiệp tự định giá khiến người dân giá nào cũng phải mua...”.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng dự thảo Luật Giá chưa lường trước được những biến tướng về giá diễn ra trong thực tế cuộc sống. Ông nhấn mạnh, có sự can thiệp của Nhà nước nhưng trong thực tế đã có lúc để thái quá theo thị trường hoặc can thiệp quá sâu. Chẳng hạn, sữa và thuốc chữa bệnh là mặt hàng hết sức thiết yếu nhưng cơ quan quản lý giá tỏ ra bất lực không kiểm soát được giá bán. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, giá cả ở thời điểm này là vấn đề hết sức cấp bách. Ông cho rằng, chế tài xử phạt vi phạm về giá hiện quá nhẹ, phải tăng nặng thêm để đảm bảo tính răn đe.  

Nhấn mạnh sự cần thiết phải có Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ĐBQH,  Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, quy định trong dự luật về tuyên truyền pháp luật trong nhà trường còn chung chung, chưa rõ ràng. Ông nói: “Phải làm rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan tong việc trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên khi còn trên ghế nhà trường. Ít nhất, khi đủ 18 tuổi, mỗi học sinh, sinh viên đều phải hiểu đầy đủ về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn công dân của mình. Đại tá Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị  trong tuyên truyền pháp luật, tránh tình trạng chung chung như hiện nay.