Mỹ và Nato sẽ can thiệp quân sự vào Syria?

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 2 năm qua tại Syria có thể tiến đến giai đoạn bước ngoặt khi một kịch bản về việc phương Tây tấn công ồ ạt vào Syria giống như Libya, Iraq trước đây dường như đang ở gần hơn bao giờ hết. Điều này được thể hiện qua những phát biểu mới nhất của cả Tổng thống Barack Obama lẫn giới lãnh đạo quân sự Mỹ và NATO.

Cái cớ... vũ khí hóa học

Cuộc nội chiến ở Syria đang đối mặt với một viễn cảnh ớn lạnh khi lần đầu tiên dụng vũ khí hóa học - một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt được tung ra trong cuộc nội chiến đẫm máu ở nước này. Số người thiệt mạng trong vụ tấn công hôm 19-3 ở Aleppo (Syria) được cho là có dấu hiệu của vũ khí hóa học đã lên tới 25 người thiệt mạng, 86 người bị thương. Việc sử dụng các chất hóa học và vũ khí sinh học đang bị cấm theo Công ước Liên hiệp quốc cấm vũ khí hóa học, nhưng Syria không phải là một trong số 188 nước ký tên vào Công ước này.

Trong khi cả 2 phe đều đổ lỗi cho nhau về việc phát động một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, ý kiến từ các thế lực bên ngoài cuộc chiến lại càng rối rắm. Thông tin trên đã khiến các cường quốc giật mình lo ngại bởi trước đây các nước đã nhiều lần cảnh báo cuộc nội chiến ở đất nước Syria không được dùng đến loại vũ khí hủy diệt hàng loạt như vậy. 

Phương Tây vốn ủng hộ phe nổi dậy Syria nên có xu hướng nghĩ rằng, quân của Tổng thống Assad sở hữu vũ khí hóa học trong tay nên vụ tấn công này do lực lượng này gây ra. Ngược lại, Nga - nước bênh vực cho chính quyền của Tổng thống Assad lại tin rằng, phe nổi dậy chiếm được vũ khí hóa học và đang dùng nó để chống lại quân Chính phủ. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng leo thang cuộc xung đột vốn đã vô cùng ác liệt và đẫm máu hiện nay. Rõ ràng, cả hai kịch bản này đều không thể loại trừ.

Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng - ông Jay Carney đã nhắc lại lời cảnh báo rằng chính quyền của Tổng thống Assad phải bảo đảm không được sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến hiện nay. Trước đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố, việc chính quyền của Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học sẽ bị coi là vượt qua “lằn ranh đỏ”. Lần này, Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo, bất kỳ động thái sử dụng vũ khí hóa học nào cũng sẽ là một “thứ làm thay đổi cuộc chơi” cơ bản trong hành động của thế giới đối với cuộc khủng hoảng ở Syria. Những phát biểu trên ám chỉ đến khả năng Mỹ sẽ dùng đến hành động quân sự đối với Syria nếu vụ tấn công hóa học được chứng minh đã thực sự xảy ra ở đất nước Trung Đông này.

Hãng tin AP của Mỹ cho biết theo các nguồn tin không chính thức, hiện Syria đang sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất Trung Đông và lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga, bao gồm cả kho khí độc chết người sarin và VX. Toàn bộ số vũ khí này có từ những năm 1970 thế kỷ trước. Đây có thể sẽ là cái cớ để Mỹ can thiệp quân sự vào Syria. 

Người trả giá vẫn là dân thường

Khả năng Mỹ dẫn đầu phương Tây tiến đánh Syria đang ở rất gần là vì ngoài những phát biểu đầy hàm ý của Tổng thống Obama, một chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ còn thẳng thừng tuyên bố, nhiều nước NATO đang lên kế hoạch khẩn cấp để chuẩn bị cho khả năng thực hiện một chiến dịch quân sự trực tiếp cuộc nội chiến ở đất nước Syria. Trong số các lựa chọn có việc sử dụng máy bay để thiết lập vùng cấm bay, cung cấp sự giúp đỡ về mặt quân sự cho phe nổi dậy hay áp đặt các lệnh cấm vận vũ khí.

Tuy nhiên, giống như sự can thiệp của Mỹ và các nước khác vào tình hình Libya năm 2011, sẽ cần phải có một nghị quyết từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một thỏa thuận giữa 28 thành viên của NATO trước khi NATO thực hiện một vai trò quân sự ở Syria.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết Liên hợp quốc sẽ khởi động một cuộc điều tra xem liệu vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria hay không như cáo buộc qua lại giữa lực lượng đối lập và Chính phủ Syria theo sau yêu cầu bằng văn bản của Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thăm Israel nói trên tờ Washington Post rằng muốn Liên hợp quốc điều tra cả việc phe đối lập cáo buộc Chính phủ Syria. Lần này có vẻ như Liên hợp quốc không muốn bị Mỹ qua mặt như hồi tấn công Iraq cũng với cáo buộc Iraq sở hữu kho vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Đối với phe nổi dậy Syria, kịch bản vũ khí hóa học của Iraq dường như sẽ phù hợp để áp dụng ở Syria và giúp phương Tây có cớ tấn công lật đổ ông Assad. Với phương Tây, hơn ai hết, Pháp, Anh và Mỹ rất muốn có một kết luận điều tra cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học để tạo tiền đề cho một cuộc can thiệp quân sự. Ngược lại, nếu cuộc điều tra Liên hợp quốc cho thấy rằng quân đối lập sử dụng vũ khí hóa học thì phương Tây cũng sẽ lập luận rằng đã đến lúc Tổng thống Syria phải ra đi vì ông không còn khả năng kiểm soát kho vũ khí hóa học. Và đó là cái cớ để can thiệp quân sự nhằm bảo đảm an toàn kho vũ khí hóa học của Syria. 

Vậy kịch bản có thể sẽ giống Iraq? Có khác một chút khi Syria bây giờ khác Iraq ở chỗ lực lượng đối lập mà Mỹ và các đồng minh phương Tây ủng hộ có những thành phần Hồi giáo cực đoan, khủng bố. Cái giá mà phương Tây phải trả cho việc lật đổ ông Assad và đưa quân nổi dậy lên cầm quyền dường như không lường trước được nếu lực lượng này tiếp nhận kiểm soát vũ khí hóa học. 

Còn nếu như vũ khí hóa học là câu chuyện bịa đặt thì người trả giá vẫn sẽ là dân thường, lần này là nhân dân Syria. Đất nước Syria đã phải oằn mình chịu đựng cuộc nội chiến đẫm máu và ác liệt kéo dài suốt hơn 2 năm qua. Hơn 70.000 người đã thiệt mạng, hơn 1 triệu người phải đi sống tị nạn và 2,5 triệu người mất nhà cửa, sống lay lắt trong nước. Và có thể lại như Iraq hiện nay 10 năm sau chiến tranh vẫn bất ổn. 

Cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Irắc năm 2003 với lý do là để phá hủy các kho vũ khí hủy diệt của chính quyền Saddam Hussein (những thứ cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy) đã  lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein và “mở ra một kỷ nguyên dân chủ tự do” tại đất nước được coi là "trái tim" của Trung Đông. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến này lại châm ngòi cho tình trạng bạo lực phe phái và các tranh cãi chính trị triền miên biến quốc gia giàu dầu mỏ này thành một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới. Trong suốt 10 năm qua, Thủ đô Bátđa hầu như không có tòa nhà dân sự nào được xây mới, mà thay vào đó các đồn bốt và trạm gác quân sự tiếp tục mọc lên! Trong khi đó, người dân Irắc vẫn hàng ngày phải đối mặt với những vấn đề nổi cộm như điều kiện sống nghèo khổ, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao.