Mỹ sẽ giúp Philippines nâng cấp quân đội

ANTĐ - Dường như Manila muốn Washington đưa ra tuyên bố công khai rằng Mỹ sẽ giúp bảo vệ Philippines nếu nước này bị tấn công. Ngoài ra, Tổng thống của Philippines còn bày tỏ sự mong muốn được Washington giúp hiện đại hóa lực lượng quân đội vốn bị xem là còn yếu kém, không đủ sức bảo vệ lãnh thổ. Tháng trước, Mỹ đã bàn giao tàu tuần duyên thứ hai cho Philippines sau khi tàu tuần duyên đầu tiên được bàn giao hồi năm ngoái. 

Diễn biến mới nhất tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng sáng 9-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Philippines Benigno Aquino lll kêu gọi tự do hàng hải trên biển Đông. Trong tuyên bố chung được công bố sau đó, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc bảo đảm tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại hợp pháp không bị cản trở. Tổng thống Obama đã cam kết Mỹ ủng hộ nỗ lực nâng cấp quân đội Philippines của ông Aquino nhằm xây dựng “một khả năng phòng thủ đáng tin cậy”.

Lâu nay Washington luôn chỉ nói chung chung là sẽ tuân thủ các cam kết trong Hiệp định Quốc phòng song phương Mỹ - Philippines.

Tuy nhiên, do Trung Quốc ngày càng thể hiện thái độ hung hăng ở biển Đông nên đã trở thành cái cớ để Mỹ và Philippines tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác liên minh kéo dài 60 năm qua. 

Mặt khác, còn có một lý do nữa mà Mỹ và Philippines tăng cường mối quan hệ này. Mỹ không muốn “mất chỗ” trên Thái Bình Dương. Từ khi rút lực lượng ra khỏi căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic ở Philippines vào năm 1992, khoảng trống mà Mỹ để lại nhanh chóng được lấp đầy bởi một thế lực mới mà tốc độ “nổi lên” nhanh hơn dự kiến. Hậu quả là khi ông Obama vào Nhà Trắng, nước Mỹ hầu như “mất chỗ” trên Thái Bình Dương, một địa bàn mà nước Mỹ đã dốc hết sức cách đây 70 năm để giúp các nước ven Thái Bình Dương, thậm chí cả Ấn Độ Dương giành lại độc lập với giấc mơ Đại Đông Á!

“Nước Mỹ có sứ mệnh tìm lại toàn bộ chỗ đứng của mình tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực mà Mỹ đã bỏ lơ trong những năm qua do phải chú tâm đến khu vực Trung Đông, nơi đang diễn ra những biến động căng thẳng”. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã loan báo sự chuyển hướng chiến lược này vào đầu năm nay. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta mới đây tại “Đối thoại Shangri-La” ở Singapore cũng đã khẳng định quyết tâm này của Washington nhằm giữ niềm tin của những đồng minh của mình trong khu vực. Theo đó, Mỹ cam kết tiếp tục giữ vai trò người bảo vệ những khu vực chung, những vùng biển và không phận không thuộc quyền của bất cứ quốc gia nào.

Thực tế, Bộ trưởng Panetta đã đi một vòng châu Á 9 ngày, với các điểm đến là Singapore, Việt Nam và Ấn Độ để tìm một sự liên kết cho nỗ lực “tái cân bằng” (lực lượng) ở châu Á - Thái Bình Dương sau khi Mỹ công bố chiến lược can dự trở lại khu vực này. Mỹ phải “tái cân bằng” do đã xuất hiện một tình hình bất cân bằng khi mà một thế lực đang lên quá mức, còn Mỹ đã vắng mặt quá lâu trong những hai chục năm. Tại Singapore, ông Panetta đã nêu rõ nội dung “tái cân bằng” này như sau: “Đến năm 2020, hải quân Mỹ sẽ tái bố trí các lực lượng hiện nay giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương từ tỉ lệ 50/50 sang 40/60 với sáu hàng không mẫu hạm và phần lớn các tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu chiến gần bờ và tàu ngầm”. Không chỉ về số lượng, ông Panetta cũng khẳng định sẽ đưa đến khu vực những tàu có công nghệ tối tân, những tàu ngầm công nghệ cao, máy bay chiến đấu, hệ thống truyền thông và chiến tranh điện tử mới.

“Chính sách quốc phòng đối với khu vực (châu Á - Thái Bình Dương) yêu cầu Mỹ mở rộng quan hệ quân sự - quân sự không chỉ với những nước đồng minh truyền thống” - ông Panetta nhấn mạnh. Tuyên bố này được cho là nhắm đến những nước ASEAN chưa có hiệp định đồng minh quân sự song phương với Mỹ. 

Chris Johnson, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược toàn cầu, nhận định với chiến lược “tái cân bằng” này, Mỹ đang quyết tâm trở thành người bảo vệ an ninh cho khu vực. Báo Asia Sentinel ngày 5-6 cũng nhận định: “Đã đến lúc một trật tự an ninh mới xuất hiện trên Thái Bình Dương”. 

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đang có mặt tại Hoa Kỳ trong nỗ lực tìm kiếm sự đảm bảo quốc phòng của Washington trước sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tổng thống Benigno Aquino III đã có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama để một lần nữa tìm kiếm sự bảo trợ của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tại bãi đá cạn Scarborough/ Hoàng Nham vẫn chưa được giải quyết.