Mưu trí, dũng cảm trấn áp tội phạm đến cùng trong tình huống bị chém đứt dây thần kinh ở bắp chân phải

ANTD.VN - “20 năm phục vụ trong lực lượng Cảnh sát cơ động, chuyện giáp mặt, trấn áp tội phạm nguy hiểm, manh động là bình thường. Lúc ấy, mình chỉ có một suy nghĩ là quyết tâm không để đối tượng lọt lưới. Nếu chúng thoát thì nhiệm vụ của cả đội coi như... không hoàn thành” - Đại úy Nguyễn Thế Dũng (Phó Đại đội trưởng, Đại đội 1, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, CATP Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ với phóng viên.

Mưu trí, dũng cảm trấn áp tội phạm đến cùng trong tình huống bị chém đứt dây thần kinh ở bắp chân phải ảnh 1Trung sỹ Kiều Hải Anh phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ 

Không để đối tượng “lọt lưới”

“Nếu được chọn lại nghề, tôi sẽ vẫn làm chiến sĩ Cảnh sát cơ động” - Đại úy Nguyễn Thế Dũng, Phó Đại đội trưởng, Đại đội 1, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, CATP Hà Nội khẳng định. Anh là người đã bị thương trong lúc làm nhiệm vụ bắt giữ đối tượng tàng trữ ma túy vào đêm 10-11. Đại úy Nguyễn Thế Dũng cho biết: “20 năm phục vụ trong lực lượng Cảnh sát cơ động, chuyện giáp mặt, trấn áp tội phạm nguy hiểm, manh động là bình thường. Lúc ấy, mình chỉ có một suy nghĩ là quyết tâm không để đối tượng lọt lưới. Nếu chúng thoát thì nhiệm vụ của cả đội coi như... không hoàn thành”.

Khoảng 11h40 đêm 10-11, tổ công tác của Đại úy Nguyễn Thế Dũng gồm Thượng úy Nguyễn Trọng Giao, Thượng úy Nguyễn Duy Hưng và Trung úy Lê Trung Thành làm nhiệm vụ trên đường Chiến Thắng (phường Văn Quán, quận Hà Đông) thì phát hiện một đối tượng nam có dáng vẻ khả nghi, trên tay cầm chiếc túi xách màu nâu nên tiến hành kiểm tra hành chính. Ban đầu, đối tượng chống đối, không chấp hành và còn lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ.

Song với tinh thần kiên quyết, tổ công tác yêu cầu anh ta chấp hành nhưng bất ngờ sau đó người này bỏ chạy. Ngay lập tức Trung úy Lê Trung Thành lao vào ôm chặt, khống chế đối tượng nhưng bất ngờ gã thanh niên rút trong người ra một con dao bấm đâm vào người chiến sĩ công an hòng thoát thân. Lúc đó, Đại úy Nguyễn Thế Dũng lao vào ghì tay đối tượng xuống để cứu nguy cho đồng đội.

Như con thú cùng đường, gã lưu manh điên cuồng chống cự. Và chỉ trong tích tắc, gã bất ngờ quay ngược mũi dao đâm thẳng vào bắp chân Đại úy Nguyễn Thế Dũng. Mặc dù vậy, anh vẫn vùng dậy đánh văng con dao ra xa và quật ngã đối tượng rồi ghì chặt xuống đất. Lúc này máu chảy xối xả ướt sũng chiếc quần quân phục. Ngay sau đó, đồng đội đưa anh vào Viện Quân y 103 cấp cứu.

Tiến hành kiểm tra số tang vật, lực lượng công an phát hiện bên trong chiếc túi xách của đối tượng có 8 chiếc túi nhỏ màu xanh chứa nhiều viên ma túy tổng hợp màu hồng, 4 gói chất bột màu trắng nghi là heroin cùng hơn 60 triệu đồng. 

Các bác sĩ chẩn đoán, Đại úy Nguyễn Thế Dũng bị đứt dây thần kinh chân phải. Sau khi mổ lần 1 anh được chuyển về Bệnh viện Quân y 108 tiếp tục điều trị. Nhớ lại quãng thời gian công tác trong lực lượng Cảnh sát cơ động, Đại úy Nguyễn Thế Dũng bảo, đây không phải là lần đầu anh đối mặt với những tên tội phạm manh động như vậy. Trước đó, năm 2010, khi anh và đồng đội đang trên đường tuần tra cũng gặp tình huống tương tự.   

Đó là một nhóm lưu manh từng vào tù vì tội chống người thi hành công vụ. Sau khi mãn hạn, chúng gặp lại nhau và tụ tập uống rượu. Ngà ngà say, nhớ lại chuyện cũ nên chúng rủ nhau đi phục thù. Ngông cuồng đến mức, chúng bảo nhau đi dọc đường, cứ thấy bóng dáng công an là tấn công. Chính vì vậy, khi đâm hụt Đại úy Nguyễn Thế Dũng, nhóm côn đồ trên còn quay đầu xe định lao vào quyết ăn thua đủ với tổ công tác. Trước tình huống đó, Đại úy Nguyễn Thế Dũng đã nhanh chóng trấn áp, bắt giữ cả 3 đối tượng. 

Năm 2009, Đại úy Nguyễn Thế Dũng khi đang làm nhiệm vụ tại đường Trần Duy Hưng cùng đồng đội đã bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 4 bánh heroin. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ, các đối tượng đã chống trả quyết liệt. Tuy nhiên, bằng sự mưu trí và bản lĩnh, Đại úy Nguyễn Thế Dũng đã nhanh chóng khống chế cả 2 đối tượng. Nhờ chiến công này, anh đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. 

Mưu trí, dũng cảm trấn áp tội phạm đến cùng trong tình huống bị chém đứt dây thần kinh ở bắp chân phải ảnh 2Đại úy Nguyễn Thế Dũng đang điều trị tại bệnh viện sau khi trấn áp đối tượng ma túy

Dũng cảm trấn áp tội phạm nhiễm HIV

Trong lực lượng Cảnh sát cơ động Hà Nội những ngày này, bên cạnh tấm gương Đại úy Nguyễn Thế Dũng còn phải nhắc đến Trung sỹ Kiều Hải Anh ở Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn Cơ động đặc nhiệm. Anh chính là người đã dũng cảm trấn áp 2 đối tượng trộm cắp tài sản của sinh viên trên đường Trường Chinh, trong đó đối tượng chính nhiễm HIV giai đoạn cuối. 

Khoảng 18h ngày 7-11, Trung sỹ Kiều Hải Anh được phân công phối hợp với Đội CSGT số 3, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội làm nhiệm vụ chống ùn tắc giao thông tại ngã tư Trường Chinh - Ngã Tư Sở.

“Khi ấy, ngoài trời mưa khá to, trời tối mịt, tôi bỗng nghe thấy tiếng truy hô cướp của một cô gái trẻ. Thấy cô gái đuổi theo một đôi nam nữ đi xe máy, tôi đuổi theo và khống chế. Khi ấy, tôi một mình quật ngã nam thanh niên đang điều khiển xe, rồi tiếp tục khống chế đối tượng nữ ngồi phía sau. Khi đó, cả 2 đối tượng chống trả quyết liệt nhằm trốn thoát. Sau khi đã khống chế được đôi nam nữ này, tôi phải bảo vệ đối tượng vì sợ người dân thấy cướp sẽ lao vào đánh hội đồng. Đến khi bàn giao tại CAP, gã thanh niên mới khai hắn nhiễm HIV giai đoạn cuối. Lúc ấy, tôi giật mình và hỏi nữ sinh viên kia có bị xây xước gì không? Khi cô ấy không sao, tôi mới nhìn xuống tay mình thì thấy cả bày tay đang xây xước chảy máu vì vật lộn”, Trung sỹ Kiều Hải Anh kể lại.

Trước đó, vào tháng 5-2017, Trung sỹ Kiều Hải Anh cùng đồng đội đã bắt giữ Nguyễn Vĩ Như (đối tượng bị nhiễm HIV) đang tàng trữ ma túy. Trong lúc bị lực lượng chức năng kiểm tra, Như đã liên tục chống trả. Khi bị áp giải về CAP, đồng bọn của Như đi theo tổ công tác nhằm giải cứu cho gã. Thậm chí Như còn cố tình cắn vào tay người lính trẻ này để tìm đường trốn thoát. 

Sau này, khi được bác sĩ chỉ định uống thuốc chống phơi nhiễm HIV, ngay trong những ngày chờ kết quả, Trung sỹ Kiều Hải Anh vẫn tích cực tham gia công tác. Anh bảo: “Việc này tôi phải giấu gia đình vì sợ mọi người lo. Chỉ tới khi các bác sỹ thông báo sức khỏe tôi vẫn ổn thì mới có thể thở phào nhẹ nhõm”. Tôi hỏi: “Trong những ngày đợi kết quả xét nghiệm, có lúc nào Hải Anh thấy “hối tiếc vì việc làm của mình?”. Người lính trẻ cười: “Thực ra thì cũng có lo lắng. Nhưng rồi công việc lại cuốn mình đi. Không làm công an thì thôi, đã làm thì phải chấp nhận đối mặt với tội phạm và hiểm nguy. Bất cứ lúc nào ra đường làm nhiệm vụ, gặp đối tượng phạm tội, tôi vẫn sẽ trấn áp đến cùng”.

Mưu trí, dũng cảm trấn áp tội phạm đến cùng trong tình huống bị chém đứt dây thần kinh ở bắp chân phải ảnh 3

“Không làm công an thì thôi, đã làm thì phải chấp nhận đối mặt với tội phạm và hiểm nguy. Bất cứ lúc nào ra đường làm nhiệm vụ, gặp đối tượng phạm tội, tôi vẫn sẽ kiên quyết trấn áp đến cùng, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân”.

Trung sỹ Kiều Hải Anh (Đại đội 1, Tiểu đoàn  Cơ động đặc nhiệm, Trung đoàn Cảnh sát  cơ động, CATP Hà Nội)