Mượn xe rồi đem đi cầm cố, phạm tội gì?

ANTD.VN - Hỏi: Tôi cho bạn tôi mượn chiếc xe máy, sau đó anh ta mang đến hiệu cầm đồ cầm cố. Tôi gọi điện đòi lại xe thì bạn tôi nói vẫn đang sử dụng và mấy hôm nữa sẽ trả. Tuy nhiên từ đó đến nay đã 1 tháng mà anh ta chưa động tĩnh gì. Trong trường hợp này, tôi có thể đi báo công an được không, có thể khởi kiện để lấy lại xe được không? Mức xử phạt đối với người bạn kia như thế nào, chủ hiệu cầm đồ có bị xử phạt không? Trần Văn Vượng (Đông Anh, Hà Nội)

Trả lời: 

Theo như thông tin bạn cung cấp thì giữa bạn và người bạn của mình không có thỏa thuận cụ thể về thời hạn giao trả xe, khi bạn liên lạc thì người bạn đó vẫn trả lời chứ chưa có hành vi bỏ trốn hay trốn tránh không nghe điện thoại.

Trong trường hợp này, trước hết bạn cần nói rõ với bạn của mình trước, xác định chính xác ngày nào cần phải trả xe, nếu có thể bạn nên ghi nhận lại quá trình trao đổi này giữa mình và bạn (qua tin nhắn, hình ảnh, video, ghi âm...). Nếu quá hạn mà người bạn của bạn không giao trả chiếc xe hoặc có dấu hiệu của việc bỏ trốn thì bạn cần trình báo vấn đề này với cơ quan công an.

Luật sư  Trần Hoàng Hà (Công ty Luật TNHH Quang Vượng; địa chỉ: Số 6, ngõ 29 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội)

Khi đó người bạn này có thể bị khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 

Đối với chủ hiệu cầm đồ, do xe máy là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà chủ hiệu lại nhận cầm cố chiếc xe của bạn từ 1 người khác nên đây là giao dịch dân sự vô hiệu. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì chủ hiệu cầm đồ sẽ bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.