Muôn nẻo... chạy trường

ANTĐ - Mỗi năm đến mùa tuyển sinh, các bậc phụ huynh lại chạy đôn chạy đáo lo xin học cho con. Dù chẳng có bất cứ quy định nào hay bất cứ tuyên bố chính thức  nào, nhưng để cho con em mình được vào trường học như ý muốn thì đều có… giá. Cỡ lèng nhèng thì vài trăm đô, còn các trường điểm thì giá lên tới vài nghìn đô. Thậm chí người ta còn ngã giã mua “suất” bán “suất” trong trường học mà cứ như ngoài chợ…
Muôn nẻo... chạy trường ảnh 1


Tiền nào “của” nấy?

Giá vào trường điểm là bao nhiêu, không có bất cứ văn bản giấy tờ nào quy định nhưng theo luật bất thành văn thì giá cho một suất học sinh vào lớp 1 ở trường điểm lên đến cả vài nghìn USD. Một phụ huynh nhà ở Lê Trọng Tấn nhưng muốn xin cho con vào học ở một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng với lý do gần cơ quan, tiện cho việc đưa đón con, nên phải chấp nhận tốn kém. Để con có một suất học, chị đã phải chi 1.200 USD. Hay muốn có một suất học ở một trường điểm tại quận Ba Đình, được đánh giá là có môi trường học tập thân thiện, quan hệ thầy trò được coi trọng, có phụ huynh cũng phải chi tới 3.000 USD.

Đấy là các trường top trên, còn các trường "thường thường bậc trung," giá cũng phải từ 300 USD đến 800 USD, tùy theo "cơn sốt" của các phụ huynh. Một phụ huynh từng xin cho con trai vào lớp chọn ở trường tiểu học K.T chia sẻ “kinh nghiệm” tuy trường chỉ thuộc loại "trung bình" nhưng chị cũng phải mất ngót 1.000 USD. Gần trường K.T, trường tiểu học K.L được đánh giá là tốt nhất khu vực đó, muốn con được nhận vào trường cũng phải mất vài nghìn USD mà chưa chắc đã được, nếu không có người "mối lái”. Có như vậy mới thấy, không chỉ các trường điểm, nổi tiếng có danh mới là sự lựa chọn của phụ huynh mà những trường bình thường, chỉ vì muốn tiện đường đến trường, phụ huynh buộc phải cho con học trái tuyến và đương nhiên là phải mở “hầu bao”.

Chợ mua suất lao xao

Có cầu thì ắt có cung, câu chuyện chạy trường, xin học bây giờ không cần phải tế nhị, kín đáo mà coi như chuyện đương nhiên. Tại các trường tiểu học có giá, các cô giáo đều có “suất” và có thể mua bán “suất” được coi như một khoản để… tăng thu nhập. Thậm chí, trên các diễn đàn, việc mua bán suất cũng khá rầm rộ: “cần nhượng một suất xin vào lớp 1 trường tiểu học T.V”, “suất học cho bé vào lớp 1 trường Tr.A”, “có một suất vào trường tiểu học NTC, lớp chọn”... và hàng trăm các chia sẻ của các bậc phụ huynh về kinh nghiệm “chạy” trường cho thấy việc “chạy trường” vào lớp 1 cho con chưa bao giờ hết hết “nóng”. Cách đây 2 năm, trên trang web raovat.com còn xuất hiện một mẩu rao sang nhượng các suất học lớp 1 vào các trường điểm tại TP.HCM khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng về cái chuyện chạy trường, mua bán “suất” của ngành giáo dục thời nay: “Tụi mình là nhóm giáo viên, cán bộ địa phương thuộc diện được cấp ưu tiên một số suất học cho con em theo học ở trường Lương Định Của (quận 3), Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Lê Ngọc Hân (quận 1), Lê Đình Chinh (quận Phú Nhuận). Do không có con cháu có nhu cầu vào lớp 1 năm học này nên tụi mình muốn nhượng lại cho phụ huynh nào có nhu cầu. Liên hệ tụi mình qua e-mail: tranvanvu...@yahoo.com”. 

Không ít phụ huynh cũng lên mạng để dò hỏi, xin lời khuyên của “người đi trước” về “đường vào trường” cho con em mình. Một bà mẹ có nick “mecuasao”, chia sẻ và bày kinh nghiệm: “Tìm cách làm quen với một giáo viên của trường, sau đó quà cáp và nhờ người này giới thiệu thì chắc chắn có suất”. Một bà mẹ khác tư vấn: “Giờ cái gì cũng phải tiền, tốt nhất là nhờ giáo viên của trường giới thiệu, chắc chắn mức giá sẽ mềm hơn và đảm bảo có suất”, “ giá cả leo thang, mức chung đại trà hiện nay không thể dưới 1.000 USD”. Nghe những câu như vậy mới thấy việc cho con đi học lớp 1 ở trường trái tuyến đã bị thương mại hóa, nó đã phản ánh tất cả hiện thực bức tranh chạy trường, chạy lớp hiện nay. 

Chỉ là một phần nhỏ của sự thật

Theo chị L.Q.H ở quận Long Biên, một trong những người nổi tiếng mai mối các vụ chạy trường “nghìn đô” thì những câu chuyện mà các bậc phụ huynh trao đổi chỉ là một phần rất nhỏ của “sự thật”. Để xin cho con vào trường “điểm” cần phải lên kế hoạch tỉ mỉ và tốn khá nhiều công sức. Hiện nay phương thức chủ yếu để tiếp cận vào trường “điểm” là thông qua đội ngũ giáo viên của nhà trường. Phụ huynh cần phải biết chắc chắn có bao nhiêu suất và ai là người quản lý những suất đó. Sau đó mới đến khâu “định giá”. Không những thế, các trường còn có “chiêu” tuyển sinh theo cách riêng của mình. Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội thì giữa tháng 6 các trường bắt đầu tuyển sinh tuy nhiên, từ trước đó vài tháng các vị phụ huynh đã phải “đặt vấn đề” và các trường đã tiếp nhận “ngầm” những hồ sơ trái tuyến mặc dù không biết chỉ tiêu cụ thể được phân bổ là bao nhiêu.

Trong khi đó, về quy định khi phân bổ chỉ tiêu, không một điều khoản nào nhắc đến việc các cô giáo trong trường có suất mỗi khi tuyển sinh vào lớp 1. Nhưng bằng mọi cách, mỗi năm các cô giáo trong trường đều có một, hai “suất người nhà” được gọi là cơ hội tăng thu nhập. Khi mà các bậc phụ huynh còn có nhu cầu cho con vào trường điểm, lớp chọn thì cuộc đua càng trở nên bất tận...

Vì sao phụ huynh thích mất tiền?

Nguyên nhân chính khiến các bậc phụ huynh phải “chạy” học trái tuyến cho con là vì trường học đúng tuyến của gia đình họ chất lượng đào tạo, môi trường sư phạm không bằng các trường học trái tuyến. Nhiều bậc phụ huynh than phiền các trường học đúng tuyến là những “trường làng” gần nhà nhưng đa phần học sinh là con những gia đình thành phần khá phức tạp. Không những thế cơ sở vật chất tại các trường học này không đảm bảo chật chội, tối tăm... và một điều quan trọng nữa là chất lượng giáo viên ở các trường này không đồng đều, nhiều giáo viên dạy yếu và thường “ép” học sinh phải đi học thêm. Tâm lý chung đã khiến các bậc phụ huynh dù thế nào, tốn kém nhiều hơn cũng phải chạy cho con vào trường học có chất lượng cao hơn. 

Chính điều này đã dẫn đến sự không đồng đều giữa các trường và dẫn đến việc “kẻ ăn không hết người lần không ra”, có những trường thì quá tải học sinh, có trường thì không có học sinh. Từ đó khoảng cách giàu nghèo giữa “trường làng” và “trường điểm” đang ngày càng xa. Điều đó khiến các “trường làng” ngày càng tụt hậu về mọi mặt và thiếu học sinh một cách trầm trọng, thậm chí có những trường năm nào cũng thiếu chỉ tiêu tuyển sinh dù số trẻ trên địa bàn không ít.

Được biết,  Sở Giáo dục Đào tạo nhiều năm qua cũng đã đầu tư vào việc xây dựng cơ sở vật chất, phân bổ giáo viên cho những trường được xem là chất lượng thấp, nhưng thực tế việc làm này vẫn chỉ là hình thức mà vẫn chưa thật sự quyết liệt nên khoảng cách giữa các trường vẫn là một khoảng cách lớn ngày càng xa mà không thấy có dấu hiệu được thu hẹp lại. Các cô giáo giỏi không dễ từ bỏ môi trường thuận lợi cho việc phát triển nghề nghiệp để về những “trường làng” nơi mà điều kiện phát triển nghề nghiệp thấp và các bậc phụ huynh ít có điều kiện để “quan tâm” thầy cô giáo nên thu nhập thấp hơn nhiều so với “trường điểm”. 

Nhà quản lý nói gì?

Khi trao đổi với phóng viên về hiện tượng “thương mại hóa giáo dục”, giáo viên các trường mua bán suất trái tuyến có giá hàng nghìn đô, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho biết, ông cũng chỉ được biết qua báo chí chứ chưa trực tiếp chứng kiến, ông cũng không được phản ánh cụ thể từ phía phụ huynh học sinh về việc có trường học nào vòi vĩnh đòi tiền xin học trái tuyến của cha mẹ học sinh. Theo ông Nguyễn Hiệp Thống thì không có giáo viên nào lại đổi danh dự và uy tín của mình để kiếm tiền như vậy. Các bậc phụ huynh cũng cần hết sức cảnh giác trước những kẻ tổ chức "cò mồi" trong việc xin học. Đó là câu trả lời của Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường hiện luôn nói “không” đối với việc mua suất vào lớp 1 nhưng thực tế công cuộc mua bán suất chạy trường, chạy lớp vẫn đang thực sự diễn ra nếu không muốn nói là hết sức soi động, công khai trước mỗi kỳ tuyển sinh hàng năm. Thực tế cho thấy có “cò” chạy trường tức là có môi trường để cho “cò” hoạt động. Có chuyện phân bổ “suất” trái tuyến cho các giáo viên thì mới có chuyện bán “suất” và có “cò” mua bán “suất”.

Việc không cho phép các trường tuyển học sinh trái tuyến là việc khó bởi thực tế có những gia đình vì hoàn cảnh, điều kiện làm việc của cha mẹ, họ không thể cho con em mình học trường đúng tuyến mà buộc phải học trái tuyến để tiện việc đưa đón. Đó là nhu cầu thật. Nhưng từ đây lại nảy sinh những “nhu cầu” không có thật, thậm chí để hợp pháp hóa nhiều gia đình từ trước khi con đi học đã phải làm thủ tục chuyển hộ khẩu về nơi có trường mà họ mong muốn cho con em mình được học. Điều này đặt ra một vấn đề là các nhà quản lý giáo dục cần phải có những biện pháp chiến lược để tạo sự đồng đều giữa các trường học như tạo điều kiện đầu tư nhiều hơn, điều chuyển các giáo viên giỏi về những trường này, hoặc xây dựng những lớp học kiểu mẫu tại các trường yếu, có kế hoạch đạo tạo nguồn giáo viên giỏi cho các trường yếu từ đó dần nâng cao chất lượng các trường yếu, tránh phân biệt khoảng cách giữa trường điểm và trường làng. Giáo sư Văn Như Cương cũng cho rằng không thể cấm được tuyển sinh trái tuyến, vì đó là nhu cầu rất thực tế.

Theo Giáo sư, giải pháp mà các Phòng Giáo dục đang thực hiện như việc họ điều tiết số học sinh ở trường này sang trường kia giúp các trường khó tuyển sinh có đủ học sinh; hay như vì biết một trường nào đó có nhiều học sinh trái tuyến thì Phòng cũng chấp nhận sĩ số học sinh cao hơn quy định khá hợp lý. Nhưng về lâu về dài, chúng ta cần điều tra chắc chắn số trẻ đến trường trong địa bàn, làm căn cứ vững chắc để giao chỉ tiêu tuyển sinh. Đặc biệt phải tính đến chuyện "bình đẳng" giữa các trường, nếu không các trường kém sẽ ngày càng kém và không có cơ hội phát triển. Cô Vũ Tuyết Lan, giáo viên trường THCS L.N.H, một trường được coi là điểm của thành phố thì cho rằng để hạn chế được tình trạng trái tuyến, mua suất như hiện nay, ngoài việc nâng cao cơ sở vật chất cho những trường thấp điểm thì phải luân chuyển giáo viên giỏi về những trường này. Điều này Sở Giáo dục và đào tạo có thể làm được và giáo viên đã chọn nghề thì cũng phải chấp nhận sự điều chuyển. Làm nghề giáo không phải nghề kinh doanh, không thể chấp nhận chuyện “chạy” về một trường rồi ở đó để “canh tác thu hồi vốn”. 

Và chạy trường ...lừa

Một thực trạng có thể thấy trong ngành giáo dục hiện nay là không chỉ học sinh mầm non, học sinh lớp 1 chạy trường mà dường như cấp học nào cũng có thể… chạy. Ngay đến đại học nơi đào tạo ra những cử nhân cũng… chạy. Và không ít đường dây chạy trường lừa khiến cho nhiều người khóc dở mếu dở, tiền mất tật mang. Tôi có đứa cháu gái năm nay thi đại học, cậu em lo lắm, chạy đến  xin tư vấn. Cậu nói có mối chạy vào đại học Quốc gia giá có 5.000 đô. Lại có người mách giá trên mạng có 3000  Mỹ thôi. Tôi không tin, cậu em mở mạng, vào một cái trang nào đó, có mật khẩu hẳn hoi,  danh sách chạy trường đề rõ khoa cụ thể giá 3.000 USD. Tôi nóng cả mặt. Học bằng tiền thì học làm gì? Mày để nó ở nhà cho tao! Sau này hỏi ra tôi mới biết hóa ra là đó là một đường dây lừa.

Tệ nạn “chạy” trường khi mỗi kì tuyển sinh đến không phải là mới. Thậm chí nếu trước đây, chuyện “tế nhị” này chỉ được những người trong cuộc rỉ tai nhau thì nay nó được rao một cách công khai trên mạng. Với cụm từ “ nhận chạy trường đại học, cao đẳng”, mất 0, 19 giây, trang mạng google cho ra gần 29 triệu kết quả. Trên trang rongbay.com có đăng: “... Có mấy suất vào trường các trường ĐH, đảm bảo 100%...”. 

Thực chất của chuyện “chạy trường” đến 90% là các vụ lừa đảo. Một cán bộ điều tra CAQ Đống Đa, người từng thụ lý nhiều vụ án về lừa đảo tài sản qua việc “chạy” trường cho biết: “Các đối tượng thường chủ động làm quen ở những nơi công cộng, tự giới thiệu có nhiều mối quan hệ làm ở Sở này, Bộ nọ có nhã ý muốn giúp đỡ để “chạy” trường, sĩ tử và người thân cần cảnh giác đề phòng”. Đường dây tổ chức “chạy” vào Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh bị cơ quan công an triệt phá dường như chưa đủ để thức tỉnh các bậc phụ huynh hậu quả của việc… “chạy” trường, chưa đủ để cảnh tỉnh xã hội, cảnh tỉnh các bậc làm cha, làm mẹ khỏi bị lừa. Khi mà sau đó, vẫn diễn hàng loạt các vụ lừa đảo “chạy” khiến nạn nhân khóc dở, mếu dở.

Mỗi mùa tuyển sinh, “cò” chạy trường lại có thêm những chiêu thức mới mẻ khiến khách hàng không thể có chút nghi ngờ. Không phủ nhận thực tế có một vài vụ thành công thật, do có chỉ tiêu con em trong nghành, nhất là ở các trường trung cấp, trường năng khiếu…

Có xăng là xe chạy

Giả danh cán bộ có quan hệ rộng là một chiêu thức hay được dùng. Công an quận Đống Đa (TP. Hà Nội) vừa bắt giữ Hoàng Thị Hường (SN 1977, tạm trú tại ngõ 100, đường Tây Sơn, Quang Trung, Đống Đa, TP. Hà Nội), một tay “cò’ chuyên lừa “chạy” trường để chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, chỉ là một người không công ăn việc làm, nhưng Hường  tự giới thiệu với mọi người mình là “Phó tổng biên tập” một tờ báo tuần và có thể “chạy” vào đại học giá 500 triệu đồng. Khi thấy bà Hoàng Thị Thủy (SN1967, trú tại quận Đống Đa, HN) có con trai chuẩn bi học hết lớp 12 và có ý định dự thi đại hoc, thị nói với bà Thủy rằng mình có khả năng xin vào các trường đại học với mức giá như trên. Tin lời, tháng 3-2011, bà Thủy đưa cho Hường 240 triệu đồng cùng 500 USD. Tuy nhiên, đến tháng 10-2011, bà Thủy vẫn không thấy con có giấy báo nhập học. Gọi điện gọi hỏi thì Hường cho biết con bà Thủy sẽ nhập học đợt 2 và phải nộp thêm 50 triệu đồng nữa. Nhưng chờ mãi không thấy tin tức gì, bà Thủy đã tố cáo hành vi của Hường với cơ quan công an. Kết quả, bà Thủy chỉ là một trong số hơn 70 trường hợp bị Hường lừa đảo từ cuối năm 2008 đến nay. Các nạn nhân khác phần vì ngại, phần vì ngượng đã không dám làm đơn tố cáo.

Tương tự, với mác giả là cán bộ Tổng cục Tình báo, Bùi Thị Hạnh (SN 1980, trú tại Tân Bình, Hòa Bình) tự nhận mình quen biết nhiều cán bộ có chức vụ cao và có khả năng “chạy” vào các trường đại học của Bộ Quốc phòng. Tháng 3-2011, Hạnh đã lừa anh Nguyễn Văn Bính (ở Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội) hứa nhận xin cho con anh vào Học viện Quân y, với số tiền là 170 triệu đồng. Đến tháng 10-2011, Hạnh lừa tiếp của anh Đinh Văn Tả (quận Đống Đa, Hà Nội) số tiền là 380 triệu đồng.

Lướt qua một vài trang mạng, dừng trước số điện thoại 09874xxx, người viết bắt gặp ở đầu dây bên kia một giọng nữ trung niên, tên Tâm. Lấy lí do có thằng em thi đại học nhưng lo lực học hơi đuối nên gia đình muốn tìm một suất ăn chắc vào ĐH Thương mại, có bệnh phải vái tứ phương, thấy Tâm quảng cáo có tài “xuất quỷ nhập thần”, thích trường nào, vào trường đấy, miễn là có… tiền, gia đình trông cậy nhờ Tâm. Thị ta nghe bùi tai, xổ ra một lèo các trường ĐH có thể lo được, đừng nói là Thương mại, mà Ngoại thương cứ “bơm” (tiền) nhiều là vào được hết. Cuối cùng, thị ta “chốt” giá trường Thương mại 200 triệu đồng, cụ thể như thế nào thì gặp mới nói rõ. Sau đó, chúng tôi hẹn gặp ở một quán nước trên đường Láng. Tuy nhiên, trước giờ hẹn 2 tiếng, Tâm nhắn tin bảo có việc gấp nên hẹn lần sau. Đoán chị ta chắc chưa tin tưởng mình, tôi liền gọi điện lại nói khó chị ta cố thu xếp giúp đỡ, tiền bạc với gia đình không thành vấn đề. Lần hai này, Tâm đến đúng giờ hẹn. Một người phụ nữ ngoài 40 tuổi, nhanh nhẹn và trí thức. Chị ta hỏi tôi kĩ lưỡng về lực học của cậu em. Rồi bảo có hai hình thức, một là sẽ có cán bộ đưa “phao” trong khi thi hoặc lo trước từ bên trên; hình thức thứ hai phải thêm 30 triệu vì chắc ăn hơn, tùy gia đình lựa chọn. Tiền đặt cọc một nửa, sau khi có giấy báo đỗ thì giao nốt. Thấy tôi có vẻ còn lưỡng lự vì còn về bàn thêm với gia đình, Tâm nguýt môi nói: “Cô cứ yên tâm đi, năm nào chị chả lo cho vài suất vào, bọn chị có “dây dợ” đàng hoàng, đảm bảo 100%”…Chẳng biết chị ta có lo được thật hay không nhưng giờ thì tôi biết một điều cứ có tiền thì trường nào cũng… “chạy” được.

Nhưng tôi có anh bạn sống ung dung bằng nghề chay trường. Anh ta nguyên là giáo viên dạy giỏi môn toán cấp 3. Trường nào anh cũng nhận chạy. Nhưng trước khi chạy anh phải kiểm tra sức học nạn nhân. Học giỏi anh mới nhận. Nhận xong anh tổ chức cho học sinh đi học thêm cẩn thận. Không ngờ học sinh anh ta nhận chạy thường vào được trường đại học thật. Hỏi về đường dây chạy trường hiệu quả của anh, nhân một lần vui miệng anh tiết lộ:  “ Chạy cái quái gì, bản thân nó học khá rồi, tớ lại cho đi nhờ, chắc đỗ đến 80%. Khi đi thi mình lại săn sóc cẩn thận. Thế là ăn! Nghề này phải chịu khó, mà cấm được tiêu tiền, đề phòng nó trượt là phải đưa vô khối lý do thất bại rồi trả tiền người ta”. Tôi bình một câu: Thế là cậu lừa còn gì! Anh ta thản nhiên: Thì con người ta đỗ hẳn hoi là tớ thực hiện xong hợp đồng . Lừa đảo gì! Nghề này đúng là nghề hớt váng. Ăn tiền trên sự ngu ngốc của mấy ông bố bà mẹ. 


“Môn thể thao” đặc thù

Nguyên nhân và hậu quả của nạn “chạy” trường hoàn toàn có thể nhận  thấy ngay được. Các bậc phụ huynh vừa là thủ phạm, cũng vừa là nạn nhân. Họ muốn con em mình thi đỗ nhưng lại không muốn chúng bỏ công sức ôn luyện. Có khi chỉ vì ham danh, con cái học kém nhưng muốn cho chúng vào bằng được đại học cho đỡ mất mặt. Đặt vào vị trí của họ, cũng dễ thông cảm cho tâm lý chung ấy, tất cả đều xuất phát từ sự thương con, mong cho con cái có bằng cấp, sau ra xin một công việc tử tế, ổn định. Cho nên không ít cha mẹ không tiếc công sức, tiền của, cố “chạy” cho con vào trường. Một người họ hàng xa của gia đình tôi ở Ninh Bình, kinh tế cũng không lấy gì là khá khẩm cho lắm nhưng nghe “cò” chào mời, cũng cố hết sức để cho con vào được trung cấp cảnh sát vì cho rằng cứ vào được đó, con họ ắt sẽ nên người. Có điều, chuyện không ai mong muốn thường xảy đến khi những “con cò vỗ cánh bay xa”, những kẻ anh tài  “quất ngựa truy phong”, sủi tăm mất tích. Cứ sau mỗi kì tuyển sinh, lại có không ít bậc phụ huynh chịu cảnh tiền mất mà không biết kêu ai vì chuyện chẳng tốt đẹp gì mà mang ra kể, thí sinh thì lỡ dở mất một năm ăn học.

Một điều nữa cũng phải mạnh dạn nhìn nhận, đó là vấn đề quản lí, thanh tra, kiểm tra trong ngành giáo dục còn quá nhiều lỗ hổng. Một số cán bộ trong ngành trực tiếp tiếp tay cho tệ nạn này, số khác nhắm mắt làm ngơ, giả câm, giả điếc… Bây giờ, người ta thường nói vui với nhau, có con cái đi học, bố mẹ một bước thành vận động viên maraton: từ “chạy” trường mầm non, “chạy” vào lớp 1; “chạy” trường điểm, lớp chọn; “chạy” cấp 3… đến cả bằng tiến sĩ cũng “chạy” được nữa là… “chạy” đại học. Cứ đà này, một vài năm nữa, “điền kinh” khéo lại trở thành môn thể thao vua trong xã hội chưa biết chừng?!

Tình trạng “chạy” trường nếu còn tiếp diễn thì chất lượng nền giáo dục không biết rồi sẽ đi về đâu? Nó thực sự không công bằng cho những thí sinh ngày đêm miệt mài đèn sách, lặn lội xa xôi đi thi với khát vọng mãnh liệt được đặt chân vào giảng đường đại học bằng thực lực của mình.  “Điều cần làm ngay trước mùa tuyển sinh là các bậc làm cha, làm mẹ hãy động viên con em mình quyết tâm ôn luyện để giành “suất” vào ĐH, CĐ bằng chính khả năng, sức học của mình, chứ đừng trông mong vào việc “chạy” trường, trông chờ vào việc lo lót ông nọ, bà kia làm ở Bộ này, Sở nọ giúp đỡ”, Th.s Đào Anh Quân, Giảng viên Học viện Báo chí tuyên truyền nhắn nhủ.