Mừng và lo
(ANTĐ) - Bắt đầu từ ngày 1-1-2008, đời sống của những người làm công ăn lương, nhất là người lao động trong các doanh nghiệp, công nhân viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp sẽ có bước cải tiến đáng kể với mức lương tối thiểu được nâng lên 540.000 đồng/tháng.
Lương tối thiểu nâng lên một nấc mới, thu nhập của người dân cũng tăng theo nhưng hàng triệu người sống bằng lương vẫn không thấy đời sống được dễ chịu hơn bởi giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, dịch vụ đã tăng trước “đón đầu” lương tăng. Nói ngắn gọn, cầm đồng lương chẳng những không mừng mà còn lo.
Báo chí và các hiệp hội ngành nghề đều khuyến cáo rằng, mức lương của người lao động trong các doanh nghiệp ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dưới mức 1 triệu 200 trăm nghìn đồng thì không đủ sống. Còn người lao động tự do có mơ cũng không thể kiếm nổi khoản tiền ấy.
Tính chi ly ra, với mức lương tối thiểu tăng từ 450.000 đồng lên 620.000 đồng/tháng, thì mỗi tháng người công nhân sẽ đóng thêm 15.300 đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tiền thuê nhà sẽ tăng thêm ít nhất 30.000 đồng/tháng. Nếu hằng tháng họ đi xe máy khoảng 15 lít xăng, với giá xăng tăng 1.700 đồng/lít thì sẽ chi thêm 25.500 đồng/tháng. Để đủ sức làm việc, người lao động sẽ chi thêm 1.000 đồng cho bữa sáng và 2.000 đồng bữa tối. Vị chi hàng tháng họ phải chi thêm 90.000 đồng. Với các chi tiêu trên, cộng với tiền điện, nước, quần áo... tổng cộng số tiền mà một người lao động độc thân phải chi thêm cho vật giá leo thang ít nhất là 200.000 đồng/tháng. Ấy là họ không được “quyền” ốm đau, mua sắm vật dụng, sửa chữa xe hoặc có con đi học.
Vậy là, cho dù được tăng lương 10%, nhưng sức mua thực của đồng lương mới được cầm trong tay lại bị sút giảm hơn trước ít nhất là 5%. Trường hợp không được tăng lương, tình hình còn tồi tệ hơn: Sức mua của đồng lương giảm hơn 15%!
Trong nhiều cuộc họp bàn về giá cả, lương và đời sống người lao động, hầu hết các quan chức có trách nhiệm đều đưa ra giải pháp rất đơn giản là đề nghị doanh nghiệp tăng lương để đảm bảo đời sống người lao động. Nếu đẩy áp lực này cho doanh nghiệp thì chỉ làm tình hình xấu hơn, khi doanh nghiệp làm ăn không có lãi họ sẽ “thoái lui”, công nhân mất việc sẽ tăng lên và trút gánh nặng cho xã hội.
Nhà nước sẽ thất thu thuế và không đủ ngân sách để chi trả cho công chức. Vậy đến bao giờ cán bộ, công chức, viên chức mới có thể sống hoàn toàn bằng lương? Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần phải theo lộ trình cải cách tiền lương. Lương của mỗi khu vực: Hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp sẽ được tách riêng và theo lộ trình cải cách khác nhau. Chỉ khi nào tách được cách tính lương của đơn vị sự nghiệp ra khỏi đơn vị hành chính thì đơn vị sự nghiệp mới có điều kiện thực hiện nguyên tắc: Người giỏi, có năng lực và kinh nghiệm được hưởng lương cao hơn. Hiện còn không ít đơn vị sự nghiệp chưa “muốn” tự chủ hoàn toàn bằng cách chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Bộ GD-ĐT, Y tế, Khoa học - Công nghệ đang xây dựng đề án chuyển một số đơn vị sự nghiệp ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng sang mô hình doanh nghiệp.
Trong khi chờ đợi một lộ trình cải cách tiền lương, không thể áp dụng giải pháp tình thế tiếp tục tăng lương mà phải bằng biện pháp điều tiết và kiểm soát việc tăng giá. Bài toán giá - lương - tiền thật nan giải, song không thể “bó tay” hoặc vin vào cớ “để kinh tế thị trường chi phối”.
Đan Thanh