Mừng nhưng chưa thể vui
(ANTĐ) - Hầu hết các chuyên gia kinh tế ở các viện nghiên cứu, các cơ quan Quốc hội cũng như Chính phủ cùng gặp nhau ở một kết luận: Lạm phát đã chững lại, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm lại, thị trường tiền tệ bước đầu ổn định. Toàn là những dấu hiệu đáng mừng, nhưng chưa thể vui được bởi đó là những kết quả khá mong manh.
Trong cuộc hội thảo “Quản lý thị trường và giá cả nhằm kiềm chế lạm phát” vừa tổ chức tại Hà Nội, đại diện Viện Nghiên cứu khoa học thị trường, giá cả, cảnh báo thị trường vẫn tiềm ẩn những triệu chứng bất ổn do giá dầu thế giới chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, kinh tế Mỹ tiếp tục suy thoái, đồng USD vẫn “ốm yếu”; thị trường trong nước chưa kiểm soát được buôn lậu, đầu cơ; dịch bệnh chưa được dập tắt.
Dự báo, chỉ số lạm phát 25-30% năm nay không dễ đạt được. Phó Giám đốc Học viện Tài chính đặt câu hỏi, chính sách thắt chặt tiền tệ có nên đến lúc nới lỏng không? Vì hiện nay, lãi suất đã bị đẩy lên mức quá cao và nếu kéo dài nó sẽ làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cho dù vừa qua Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất cơ bản, song lượng vốn huy động tăng không đáng kể, trong khi cung tiền trong 6 tháng lại giảm mạnh. Nếu không điều chỉnh lãi suất kịp thời sẽ có tác dụng ngược lại. Giải pháp mà Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trình Chính phủ để “nới rộng” khoảng 30 mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá để bình ổn giá thì Nhà nước phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh, tức là ngân sách lành mạnh và có thặng dư.
Trong khi đó, ngân sách luôn trong tình trạng bội chi thì liệu có đủ khả năng thực thi nhiệm vụ nặng nề đó không? Một tiến sĩ thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, nếu để tình trạng lãi suất cho vay cao như hiện nay thì sẽ xảy ra xu hướng người đi vay tự động chuyển mức lãi suất cao ở “đầu vào” vào giá cả ở “đầu ra” làm tăng mức giá chung.
Hơn thế, lãi suất cao còn có thể làm gia tăng lượng cung tiền từ nước ngoài, từ đó tạo áp lực lạm phát tiền tệ. Vì thế, theo ông, nếu Chính phủ theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì vẫn cần điều chỉnh mức lãi suất cho phù hợp, đồng thời có biện pháp khắc phục hậu quả của việc nâng cao lãi suất, nếu không sẽ “sa” vào vòng xoáy mới của lạm phát khi lãi suất hạ xuống làm mở rộng tín dụng, tăng cung tiền và tăng thêm sự thiếu hụt trong cán cân thanh toán.
Câu hỏi đặt ra là: Với tình hình lạm phát có chiều hướng giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn rất cao thì sẽ dẫn nền kinh tế đi tới đâu? Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng cho hay, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ giảm mạnh: 6 tháng cuối năm chỉ còn 12% và cả năm sẽ giữ ở mức 30%.
Tổng phương tiện thanh toán chỉ là 11% so với con số 44% năm 2007. Tất nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ như hiện nay sẽ còn “nhốt chặt” lạm phát trong các tháng tới, mục đích duy nhất, ưu tiên hàng đầu là giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế vĩ mô đang có dấu hiệu sáng sủa lên.
Thành quả bước đầu đạt được dù là mong manh nhưng bằng mọi giá phải giữ lấy. Không nên quên rằng, thời kỳ khó khăn nhất đã vượt qua, song thách thức phía trước, nhất là quý III, quý IV mới là giai đoạn trì trệ của các doanh nghiệp khi các khoản nợ đến hạn phải trả.
Đan Thanh