“Mũi chông sắt” giữ biên cương Tổ quốc

ANTĐ - Dũng mãnh tấn công trấn áp tội phạm, có khả năng phát hiện chính xác chất ma túy, tham gia hiệu quả trong các cuộc tìm kiến cứu nạn, là người bạn tuyệt đối trung thành… đó chính là những chú chó nghiệp vụ của Tiểu đoàn Huấn luyện 19, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Đắc Lắc.

Chó nghiệp vụ được biên chế cho Tiểu đoàn 19 đã vài năm, song đến tháng 8-2013, khi những Huấn luyện viên cùng 5 chú chó nữa được điều động về đây, Đội chó nghiệp vụ mới thành lập.

Trung úy Nông Hữu Hà, Huấn luyện viên kiêm Đội trưởng Đội chó nghiệp vụ chia sẻ: “Tất cả Huấn luyện viên của Đội đều được đào tạo tại Trường trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ Biên phòng. Khi nhập trường, mỗi học viên được biên chế cho một chú chó giống của Nga hoặc Đức, học viên thực hành kỹ năng huấn luyện trên chính những chú chó của mình. Tốt nghiệp ra trường, Huấn luyện viên về đâu công tác, chó sẽ theo đi đến đấy, thế nên Huấn luyện viên và chó đều hiểu và phối hợp rất ăn ý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.

Chó nghiệp vụ D19 huấn luyện cứu nạn

Chó nghiệp vụ D19 huấn luyện cứu nạn

Vừa chân ướt chân ráo về đội chưa đầy 2 tháng, cuối năm 2013, Trung úy Vương Văn Thành và chú chó chiến đấu tên Mích Lô của anh đã lập công lớn, khi góp phần cùng các chiến sĩ đồn Biên phòng 743 và lực lượng phòng chống ma túy, Công an tỉnh Đắc Lắc tóm gọn 2 tên tội phạm ma túy trốn trại, âm mưu vượt biên trái phép sang Campuchia.

Vừa tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới cùng các chiến sĩ biên phòng, những chú chó nghiệp vụ vừa được huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao sức khỏe, khả năng sẵn sàng chiến đấu, cơ bản kỷ luật. Đều đặn mỗi ngày 4 tiếng, chó nghiệp vụ được Huấn luyện viên đào tạo các kỹ năng “nghe – hiểu” và làm theo khẩu lệnh.

Trên bãi tập, sau khẩu lệnh “Bò” của Đội trưởng , cả 6 chú chó đều nằm rạp xuống đất, khéo léo bò về phía trước, không phát ra một tiếng động dù nhỏ nhất. Nghe khẩu lệnh “Đứng dậy”, lập tức chúng đứng lên đều tăm tắp. Khi Trung úy, Huấn luyện viên Trần Phúc Tuấn dùng hết sức ném quả bóng tennit đi thật xa, vẫy tay ra hiệu, chỉ chớp mắt chú chó Vích Mơ đã càm quả bóng về đưa cho chủ. Mỗi lần “học trò” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các Huấn luyện viên lại thưởng cho chúng những phần thưởng xứng đáng, khi là cái gãi lưng thân thiện, khi xoa đầu vỗ về, hay những món ăn tươi khoái khẩu.

Để luyện tập cho chó lòng gan dạ, ngoài làm quen với tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ, chó còn được luyện tập với vòng lửa, hàng rào thép gai, khả năng chịu đòn. Những chú chó có khả năng nhận biết, phòng tránh và những miếng tấn công để đoạt các loại vũ khí từ tay đối phương như súng, dao, gậy gộc…

Kể về việc di chuyển những chú chó nghiệp vụ từ Ba Vì (Hà Nội) về Đắc Lắc, Thiếu úy Võ Xuân Khải, Huấn luyện viên của chú chó chiến đấu Lai Vơn chia sẻ: “Chúng tôi được nhà trường cho một chuyến xe Zin 130, trừ lái xe ngồi ở ca bin, còn lại 5 huấn luyện viên và 5 “học trò” đều phải ngồi trên thùng xe giữa cái nắng tháng 7 của miền Trung. Lo cho mình thì ít, lo cho chó thì nhiều. Chạy được vài giờ, lại phải chọn nơi vắng vẻ cho chó xuống nghỉ giải lao, đi vệ sinh, ăn trứng vịt lộn và uống sữa cho lại sức. Mất 4 ngày 4 đêm chúng em mới về đến đơn vị”.

Ngoài tiêu chuẩn 35.000 đồng tiền ăn/ngày, hằng tuần chó nghiệp vụ được bồi dưỡng thêm trứng vịt lộn, sữa tươi, được chăm sóc sức khỏe, tắm, vệ sinh. Anh em Huấn luyện viên thường tếu táo: “Cả tháng mới về thăm gia đình mấy ngày, vậy mà ra khỏi cổng đã thấy nhớ những chú chó của mình rồi”.

Những chú chó nghiệp vụ của Tiểu đoàn 19, Bộ đội Biên phòng Đắc Lắc thực sự là những “mũi chông sắt” nơi phên giậu quốc gia.