Mục kích những làng rượu không giấy phép

ANTĐ - Càng cận kề ngày tết nhu cầu sử dụng rượu của người dân tăng cao. Nắm bắt yêu tố thị trường ngày tết, mỗi ngày các cơ sở sản xuất rượu cho ra lò hàng nghìn lít rượu. Trong vai nhà buôn cần đánh hàng lớn đi các tỉnh với số lượng nhiều, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến công nghệ làm men rượu, cũng như toàn bộ quy trình nấu rượu của các cơ sở sản xuất rượu không phép này.

Cả làng "không biết" nghị định

Kể từ ngày 1/1/2013, Nghị định (NĐ) số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu (gọi tắt là Nghị định 94) có hiệu lực. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất; trên sản phẩm phải có nhãn mác, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra. Tuy Nghị định ra đời đến nay đã gần được một năm, nhưng người dân xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội, vẫn không hề hay biết. Trong vai người mua hàng với số lượng lớn, chúng tôi về đây khảo sát và thấy hầu hết các cơ sở sản xuất rượu thủ công đều không có nhãn mác, nơi sản xuất cũng như nhãn mác ngày sử dụng.

Có mặt tại làng Nga My Hạ, xã Thanh Mai, chúng tôi được cô Nụ cho biết: "Làng chúng tôi nấu rượu từ bao đời nay, sản phẩm của chúng tôi chưa bao giờ phải đăng ký hay dán nhãn mác vì bản thân rượu chúng tôi nấu đều là rượu ngon, xịn nên uống vào là yên tâm không hề gây đau đầu" (?!). Nói xong cô dẫn chúng tôi đến kho hàng để rượu nhà mình và trước mắt chúng tôi là những can rượu loại 30 lít được xếp chật ních dưới gầm cầu thang, xung quanh còn có những thùng, vại khác.

Rượu được để vào can và không có nhãn mác


Ngoài nhà cô Nụ thì tại làng Nga My Hạ còn có rất nhiều nhà khác nấu rượu. Cô Nguyễn Thị Tươi cách nhà cô Nụ không xa cũng làm nghề nấu rượu đến nay đã hơn chục năm. Vào nhà cô, chúng tôi thấy cô đang loay hoay bên nồi rượu nấu dở. Cô cho biết "mỗi ngày cô nấu khoảng 30 lít rượu và khách hàng chủ yếu là những nhà hàng, quán ăn ngoài Hà Nội. Khi hỏi về rượu nhà mình có được dán nhãn mác hay ghi ngày tháng hạn sử dụng không thì cô nói "ối dào, khách nhà tôi đa phần là khách quen nên chúng tôi làm ăn bằng chữ tín chứ bây giờ đầu tư mấy thứ đấy thì tốn kém lại mất thời gian lắm". Cô cho biết thêm, rượu nhà mình chủ yếu là bán buôn với số lượng lớn và khách hàng là những quán ăn ở khu vưc gần sân vận động Mỹ Đình, bến xe Mỹ Đình và khu vực trường đại học Công nghiệp. Được cô chỉ dẫn chúng tôi về quán L.H nằm ngay cạnh trường Đại học Công nghiệp và gặp anh Hùng chủ quán, anh cho biết anh là khách hàng thường xuyên lấy rượu của cô Tươi nên mỗi khi về lấy anh thường mua 200 lít về bán dần.

Gặp Nam và nhóm bạn đang ngồi ăn ở quán, chúng tôi được Nam cho biết "chúng em sinh viên nên mỗi khi nhậu ở đây chỉ dám gọi loại 30 nghìn một lít thôi, loại ngon lên tới 50 nghìn. Đã nhiều lần uống xong em thấy người khó chịu và đau đầu, có lần bị nôn mất 2 ngày em phải đi bệnh xá để truyền nước". Không chỉ có Nam gặp phải triệu chứng đó mà hầu hết những ai uống loại rượu này cũng thấy đau đầu mệt mỏi. "Đau đầu là chuyện bình thường, đã nhiều lần em còn say tới hai ngày sau và khi hết rượu người nó mệt mỏi lắm. Loại rượu này chúng em uống lúc đầu nó có vị cay xè và hăng rất khó uống nhưng vì vui với bạn bè nên chúng em uống không để ý nữa".

Trao đổi với chúng tôi ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: "Cục an toàn vệ sinh thực phẩm đang lên kế hoạch với Bộ Công Thương rà soát các làng nghề nấu rượu thủ công truyền thống để từ đó có cơ chế quản lý một cách chặt chẽ. Làm như vậy sẽ tránh tình trạng một số cơ sở sản xuất rượu tư nhân lợi dụng thương hiệu để làm nhái sản phẩm".

Cả xã Thanh Mai hiện nay có khoảng hơn 30 chục hộ sản xuất kinh doanh rượu và chỉ với con số đó thôi mỗi ngày xã này bán ra thị trường số lượng hàng trăm lít. Và rồi sản phẩm của họ không may có "vấn đề" thì người chịu thiệt chính là người tiêu dùng, vì không biết bắt đền ai khi mà những chai rượu, can rượu không có nhãn mác và nơi xuất xứ sản phẩm.

Muôn kiểu loại men

Muốn có một loại rượu ngon thượng hạng thì một khâu cực kì quan trọng đó là công nghệ làm men để ủ rượu. Dương Văn Sơn nhà ở xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội - là chủ một cơ sở nấu rượu có tiếng cho hay: "Men nhà anh lấy về để ủ ruợu đa phần là anh lấy ở làng Tân Độ, xã Hồng Minh, Phú Xuyên, Hà Nội. Vì đây được coi là "thủ phủ" sản xuất men rượu ở Hà Nội. Thật vậy, chỉ vừa mới bước chân đến đầu làng chúng tôi đã ngửi thấy một mùi đặc trưng đó là mùi ngai ngái quyện với mùi chua chua như bã rượu.

Anh Sơn cho biết: "Mỗi tuần anh về đây lấy vài chục kg vì men ở đây vừa rẻ mà điều quan trọng là mình muốn loại men gì cũng có. Muốn rượu nhiều nước cũng có, muốn ủ ít ngày cũng có, nói chung là khách hàng yêu cầu thứ gì cũng đều được đáp ứng". Như để chứng minh lời mình nói, anh Sơn dẫn chúng tôi vào nhà cô Chức, đây là nhà cung cấp men cho anh. Tại đây chúng tôi thấy la liệt các loại men được phơi ở sân và hiên nhà. Đi sâu vào bên trong, trước mắt chúng tôi có rất nhiều bịch men được gói cẩn thận qua mấy lớp giấy bóng và bên ngoài có ghi bằng bút lông màu xanh với dòng chữ "men cám".

Ngoài các loai men bánh được phơi ở sân thì có rất nhiều loại men khác được xếp trên một khung bằng inox trông giống như những chiếc giá cỗ. Bên trên cái khung đó bày la liệt rất nhiều loại men từ men cám, men bánh cho đến loại men mà xưa nay chúng ta gọi là "men tàu". Đây là loại men mà trước kia Trung Quốc sản xuất nên chúng có tên gọi như vậy. Theo quan sát, túi "men tàu" được đóng sẵn vào một túi bóng to và chúng có khối lượng là 5kg/bịch, còn men cám thì được đóng gói vào các túi nhỏ hơn. Tuy nhiên nếu không được tận mắt "mục sở thị" thì chúng tôi khó lòng biết đó là "men tàu".

Men rượu phơi la liệt


Theo như anh Dương Văn Sơn, sở dĩ các chủ nấu rượu đều thích sử dụng men tàu là do loại men này có công dụng cực mạnh. Người nấu rượu không cần ủ cơm mà chỉ cần trộn men trực tiếp với gạo sống, chỉ cần đổ nước vào ngâm sau hai ngày thì gạo sẽ lên men. Đối với loại "men tàu" này, người nấu rượu đã bớt được công đoạn nấu cơm rượu và việc rút ngắn được thời gian sẽ đồng nghĩa rút ngắn được chi phí. Đặc biệt nếu trước kia nấu men gạo phải mất 4kg mới được 1 lít rượu thì nay chỉ cần ủ bằng "men tàu" là đã có ngay gần hai lít. Chính vì thế mà nó được nhiều người nấu ruợu sử dụng.

Ngoài làm men rượu thì Tân Độ cũng được coi là nơi sản xuất rượu lớn của Phú Xuyên. Cũng giống như Thanh Mai, Tân Độ mỗi ngày cũng cho ra lò hàng trăm lít rượu. Trao đổi với chúng tôi Chủ tịch xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, cho biết, "đã nhận được thông tin Nghị định 94 của Chính phủ nhưng chưa biết phải thực hiện như thế nào quản lý ra sao khi mang áp dụng nghị định này đối với các hộ nấu rượu nhỏ lẻ trong xã".

Rút kinh nghiệm vụ Rượu 29 - Hà Nội, đã đến lúc cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra xử lý các lò rượu không phép, không kiểm định chất lượng để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Đừng để đến lúc hậu quả nghiêm trọng xảy ra, lúc đó các cơ quan chức năng mới đá quả bóng cho nhau.

Ông Nguyễn Văn Đích chủ tịch UBND xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội cho biết: "Mặc dù các hộ kinh doanh sản xuất rượu thủ công vẫn chưa đăng ký và vẫn sản xuất bán rượu bình thường nhưng xã chưa có biện pháp xử lý mà vẫn chủ yếu tuyên truyền là chính".

Từ ngày 29/11 - 11/12/2013, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 4 vụ ngộ độc rượu, làm chết 6 người. Những người này đều dùng rượu được đóng trong can nhựa loại 2 lít, nhãn mác bên ngoài ghi "Rượu nếp 29 Hà Nội", của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10/2013. Ngoài "rượu nếp 29 Hà Nội" các sản phẩm rượu khác gồm Vodka rượu nếp chai 700ml; Vang nổ đỏ chai 750ml; Rượu nếp 29 Hà Nội chai 750ml có chứa hàm lượng Methanol vượt giới hạn cho phép gần 2.000 lần. Hiện sản phẩm này đang bị thu hồi trên toàn quốc. Liên quan đến vụ việc việc này, chiều 10/12, cơ quan CSĐT đã ra lệnh bắt khẩn cấp 3 cán bộ Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội (trụ sở ở quận Long Biên, Hà Nội) gồm: Giám đốc Nguyễn Duy Vương và 2 cán bộ phụ trách sản xuất là Trần Xuân Mạnh và Đặng Văn Cảnh, để điều tra về hành vi vi phạm quy định Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo bác sĩ Lương Quốc Chính khoa cấp cứu (BV Bạch Mai) cảnh báo: Khi uống phải rượu Methanol, người bệnh có những biểu hiện say rượu khác như loạng choạng, hoa mắt... Khi ngộ độc rượu Methanol, để lâu sẽ khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm do toan chuyển hóa nặng, tím tái, hôn mê tụt huyết áp và có thể tử vong. Do vậy, sau khi uống rượu vài tiếng nếu có tình trạng đau đầu nhiều, hoa mắt chóng mặt, khẩn trương đưa bệnh nhân đến viện để kịp thời điều trị.