Mua xe ô tô, nhiều khách hàng bị ép trả thêm chi phí “ngoài luồng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhiều người tiêu dùng đang phải trả thêm chi phí không chính thức khi mua xe ô tô, đặc biệt đối với các dòng xe khan hiếm trên thị trường.
Đại lý ô tô không được "ép" khách hàng mua ô tô trả thêm chi phí "ngoài luồng"

Đại lý ô tô không được "ép" khách hàng mua ô tô trả thêm chi phí "ngoài luồng"

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, tình trạng các đơn vị kinh doanh ô tô thu thêm các khoản phí không chính thức đối với những mẫu xe được ưa chuộng hoặc khan hiếm hiện đang diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể, sau khi thông báo về tình trạng khan hiếm của xe, nhân viên bán hàng có thể trực tiếp đề nghị khách hàng trả thêm một khoản chi phí đáng kể để nhân viên hỗ trợ ưu tiên giữ chỗ hoặc mua xe sớm.

Trong một số trường hợp, nhân viên có thể đề nghị khách hàng đặt cọc một khoản tiền để hỗ trợ đăng ký mua xe sớm, tuy nhiên, nhân viên không giải thích rõ bản chất của việc đặt cọc, dẫn đến khách hàng nhầm lẫn về việc đặt cọc để mua xe.

Đáng chú ý, tất cả các khoản chi phí trên đều là giao dịch trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng, không có chứng từ giao dịch và không có xác nhận pháp lý của đơn vị bán hàng.

Ngoài ra, giao dịch mua bán ô tô cũng thường xảy ra tình trạng nhân viên gợi ý hoặc ép buộc khách mua thêm các phụ kiện, dịch vụ (ví dụ dịch vụ bảo hiểm xe) để được ưu tiên mua xe sớm. Chi phí mua thêm này thường cao hơn mặt bằng thị trường.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khẳng định, hành vi giao dịch nhưng không cung cấp bằng chứng giao dịch hoặc ép buộc, yêu cầu người tiêu dùng mua thêm phụ kiện, dịch vụ là hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Việc thực hiện giao dịch trực tiếp với nhân viên nêu trên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Trên thực tế đã xảy ra tình trạng nhân viên chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng; hoặc thường gặp hơn là trường hợp người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc nhận lại tiền đặt cọc do nhân viên cố tình kéo dài thời gian giải quyết.

Vấn đề này không chỉ phát sinh thời gian chờ đợi mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch mua xe, lợi ích tài chính của người tiêu dùng do số tiền đặt cọc bị chiếm giữ trong thời gian dài.

Quan trọng hơn, khi người tiêu dùng và nhân viên đại lý không thể thống nhất giải quyết vấn đề thì người tiêu dùng thường không có đủ căn cứ để đưa vụ việc ra cơ quan chức năng do không có đủ bằng chứng để chứng minh giao dịch. Ngay cả đại lý bán hàng cũng có thể từ chối tiếp nhận và giải quyết vấn đề của người tiêu dùng do không có bằng chứng liên quan đến trách nhiệm của đại lý”- đại diện cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cho biết.

Nhằm hạn chế các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch mua bán ô tô, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng tìm hiểu kỹ về giá trước khi mua xe.

Người tiêu dùng cần chủ động tra cứu giá niêm yết chính thức từ nhà sản xuất hoặc các kênh thông tin chính thống; so sánh giá bán, chính sách ưu đãi giữa các đại lý để có quyết định phù hợp; xác định rõ các khoản chi phí cần thanh toán trước khi ký kết hợp đồng;

Thận trọng, cảnh giác với các đề nghị giao dịch trực tiếp, không có chứng từ, hóa đơn từ nhân viên bán hàng;

Yêu cầu nhân viên bán hàng cung cấp bảng giá và các khoản chi phí bằng văn bản rõ ràng, trong đó, xác định rõ thời gian dự kiến giao xe trước khi thực hiện đặt cọc hoặc thanh toán, yêu cầu giải thích chi tiết về bất kỳ khoản phí nào phát sinh ngoài giá niêm yết.

Người mua cũng cần đọc kỹ các điều khoản chi tiết của hợp đồng mua bán, đặc biệt là những nội dung thường in nhỏ hoặc dễ bị bỏ qua trong hợp đồng, chứng từ đặt cọc hoặc mua bán; Lưu giữ đầy đủ hóa đơn, hợp đồng, biên lai và các chứng từ liên quan để làm căn cứ pháp lý khi cần thiết.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh ô tô phải cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ và chính xác, trong đó cần công khai rõ mối quan hệ giữa đại lý phân phối và nhà sản xuất để người tiêu dùng hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của từng bên; công khai rõ ràng giá của sản phẩm, các khoản chi phí phát sinh (nếu có), cũng như các chính sách ưu đãi đi kèm.

Xây dựng và triển khai chính sách bán hàng minh bạch, trong đó, yêu cầu rõ việc nhân viên không được yêu cầu, ép buộc, dụ dỗ người tiêu dùng thanh toán các khoản phí ngoài hợp đồng hoặc trái với ý chí của họ;

Đào tạo nhân viên về pháp luật, đạo đức kinh doanh; có cơ chế quản lý và giám sát nhân viên trong quá trình giao dịch với người tiêu dùng. Các chính sách khuyến mãi phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, dễ hiểu và dễ tiếp cận với khách hàng.