Chi phí không chính thức giảm mạnh nhất kể từ năm 2010

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cho rằng, chi phí không chính thức liên quan đến hoạt động của họ đã giảm mạnh. Cán bộ, công chức thận trọng hơn trước các doanh nghiệp FDI.
  1. Chi phí không chính thức giảm mạnh nhất kể từ năm 2010  ảnh 1

Các lĩnh vực khiến doanh nghiệp còn phải "lót tay" cán bộ, công chức

Báo cáo Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, khảo sát doanh nghiệp FDI vừa được công bố cho thấy những chuyển biến đáng chú ý trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

“Có lẽ khi cán bộ, công chức trở nên thận trọng, e dè hơn thì các doanh nghiệp FDI cũng có trải nghiệm tốt hơn về gánh nặng chi phí không chính thức”- Báo cáo PCI-FDI nêu.

Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu đánh giá chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2021, có 41,9% doanh nghiệp FDI cho biết không chi trả chi phí không chính thức, đây là con số tích cực nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.

Tuy vậy, vẫn có 1,7 % doanh nghiệp phải dành trên 10% doanh thu cho chi phí không chính thức, nhích nhẹ so với con số 1,2% của năm 2020.

Tương tự, năm 2021 có 5% doanh nghiệp cho biết phải dành 5-10% doanh thu cho chi phí không chính thức, trong khi năm trước đó chỉ là 2,1%.

Phân theo lĩnh vực cụ thể, kết quả điều tra PCI - FDI cho biết, những lĩnh vực phát sinh chi phí không chính thức phổ biến nhất với các doanh nghiệp FDI là: thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu (38,9%); thanh, kiểm tra (25,4%).

Bên cạnh đó, 18,2% doanh nghiệp FDI không muốn đưa tranh chấp ra tòa án giải quyết do lo ngại về tình trạng “chạy án”, tăng nhẹ so với năm 2020.

Đáng chú ý, có tới 21,1% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục đất đai, tăng mạnh so với con số 10,3% của năm 2020. Con số này nhất quán với sự gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai.

Báo cáo cũng chỉ ra “hiệu quả” của việc doanh nghiệp thực hiện “lót tay” cho cán bộ, công chức. Cụ thể, có tới 60,4% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết công việc được giải quyết như mong đợi sau khi chi trả chi phí không chính thức. Kết quả này cho thấy khả năng đoán trước được kết quả công việc khi có “lót tay” tăng lên đáng kể.

“Lợi ích của việc này là doanh nghiệp có thể dự đoán khoản chi phí phải bỏ ra để chi trả chi phí không chính thức và coi đó là một khoản thuế, song hệ quả của nó sẽ là việc chi trả chi phí không chính thức ngày càng có hệ thống và có tính chất giao dịch”- báo cáo PCI - FDI đánh giá.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, kết quả khảo sát trên đây là gợi ý quan trọng những lĩnh vực cần tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.