- Ba dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam vẫn thiếu hơn 3 triệu m3 đất đắp nền
- Cắt, điều chuyển khối lượng hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ
- Bốn dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam sẽ hoàn thành vào cuối năm nay
Đang thiếu đất đắp nền lại gặp "bão giá nguyên vật liệu"
Báo cáo tổng hợp tình hình tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2017-2020, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 10/6/2022 đạt khoảng 23.544 tỷ đồng, tương đương 41,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,74% giá trị hợp đồng so với kế hoạch.
Với 4 dự án thành phần có tiến độ hoàn thành năm 2022 (tổng chiều dài 361 km), đến nay đoạn Mai Sơn - QL45 (dài 63,4 km) có sản lượng thực hiện đạt 64,2% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Các đoạn Cam Lộ - La Sơn chậm 1,53%, Vĩnh Hảo – Phan Thiết chậm 1,93%, Phan Thiết – Dầu Giây chậm khoảng 3,8%.
Theo Bộ GTVT, nguyên nhân chủ yếu gây chậm tiến độ là khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng. Tại khu vực dự án, mùa mưa đến sớm hơn so với thường lệ. Đặc biệt, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) còn thiếu khoảng 2,2 triệu m3 đất đắp nền.
Địa bàn tỉnh Bình Thuận có 5 mỏ đất đã được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng là 2,2 triệu m3, nhưng chưa thể khai thác do 1 mỏ với trữ lượng 0,11 triệu m3, nhà thầu đang hoàn thiện các thủ tục liên quan; 4 mỏ với trữ lượng 2,08 triệu m3, địa phương đã tạo điều kiện để các nhà thầu khai thác từ đầu tháng 5/2022 nhưng phải dừng khai thác từ giữa tháng 5/2022 để thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đang thi công bị chậm tiến độ do thiếu đất đắp nền, bão giá nguyên vật liệu và thời tiết mưa nhiều |
Bộ GTVT cho biết, nếu các vướng mắc về vật liệu đắp không được tháo gỡ kịp thời trong tháng 6/2022 sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2022, do các tháng tiếp theo sẽ là mùa mưa.
Về bão giá nguyên vật liệu đầu vào, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng biến động lớn đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công.
Đặc biệt đối với 4 dự án hoàn thành năm 2022, các nhà thầu đang thi công các lớp móng, mặt đường, cần phải huy động nguồn tài chính rất lớn nhưng nhiều địa phương thực hiện công bố chỉ số giá theo quý (đến nay mới công bố chỉ số giá quý IV/2021 hoặc I/2022 ) dẫn đến việc điều chỉnh giá chưa kịp thời, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng.
Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Xây dựng đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát ban hành hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai.
“Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ kiểm tra và sớm ban hành hướng dẫn điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng; chỉ đạo các địa phương công bố chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng, bảo đảm có đầy đủ thông báo giá và chỉ số giá các loại vật liệu cho công trình giao thông, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá khu vực xây dựng. Đây là giải pháp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà thầu thi công”, Bộ GTVT đề nghị.
Mưa nhiều làm chậm tiến độ thi công
Trong khi đó, thời tiết tại các địa phương đang triển khai một số dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam thì liên tục gặp mưa. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thông tin, mặc dù vẫn đang trong giai đoạn mùa khô nhưng tại khu vực Thừa Thiên Huế đang xuất hiện mưa lớn và kéo dài.
Chỉ tính riêng tháng 5/2022, trên toàn công trường đã có tới 51/62 buổi (sáng và chiều) mưa. Điều đáng nói là suốt từ tháng 4/2022 đến nay, khi toàn công trường đang trong giai đoạn nước rút, trên bảng thống kế thời tiết của đơn vị tư vấn, màu xanh (thể hiện cho ngày mưa) lấn át hoàn toàn màu vàng (thể hiện cho ngày nắng).
Theo thống kê của Bộ GTVT, năm 2021, địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, địa bàn triển khai 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có khoảng 100 ngày mưa.
Từ đầu năm 2022 đến nay, mưa lan sang cả tại các công trường tại Thanh Hóa, Nghệ An, trong đó, từ tháng 4/2022 đến nay, mặc dù vẫn là mùa khô nhưng đã có khoảng 20 đến 33 ngày mưa/tháng. Địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai – nơi mưa có lượng mưa ít nhưng trong tháng 4/2022 đến nay đã có 26 ngày đến 30 ngày mưa.
Đối với dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2) đi qua 12 tỉnh, thành phố, đến nay, các địa phương đã tiến hành kiểm đếm, cắm mốc. Các địa phương đang tích cực chuẩn bị dự án để có thể khởi công vào cuối năm nay.
Bộ GTVT cho biết, đã bàn giao cọc GPMB cho các địa phương là 670,3 km (đạt 93%); 53,4km còn lại (chủ yếu ở các nút giao) sẽ hoàn thành bàn giao cho địa phương trước ngày 30/6/2022.