Mưa đá, giông lốc liên tiếp trút xuống miền núi phía Bắc, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tỉnh vùng núi phía Bắc nói riêng và Bắc bộ nói chung đang trải qua thời kỳ chuyển mùa, từ trạng thái mùa Xuân sang mùa Hè.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, trong 3 ngày qua, nhiều nơi ở các tỉnh miền Bắc, nhất là khu vực miền núi liên tiếp xảy ra mưa đá, giông lốc, mưa lớn kèm gió giật mạnh gây thiệt hại nhà cửa, hoa màu, các công trình dân sinh… Trong đó, mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nặng nề nhất tại một số địa phương như Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh.

Vì sao giông lốc, mưa đá lại liên tục xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong những ngày qua, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tỉnh vùng núi phía Bắc nói riêng và Bắc bộ nói chung đang trải qua thời kỳ chuyển mùa, từ trạng thái mùa Xuân sang mùa Hè.

Trong quá trình đó, các tỉnh miền Bắc sẽ xảy ra hiện tượng giông, lốc, mưa đá thường xuyên hơn, tập trung từ tháng 3-5, cao điểm vào tháng 4/2024.

Mưa đá tại Sơn La gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng

Mưa đá tại Sơn La gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này là do không khí lạnh yếu từ phía Bắc tràn xuống trên nền nhiệt độ tương đối cao ở Bắc bộ, tạo điều kiện cho các khối khí xáo trộn mạnh; từ đó những đám mây đối lưu phát triển, gây ra những trận mưa giông kèm theo sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Thời gian tới, hầu khắp cả nước sẽ có sự chuyển pha về thời tiết. Bắc bộ và Trung bộ sẽ chuyển từ thời tiết giá lạnh sang ấm hơn. Khu vực Nam bộ chuyển từ thời kỳ khô sang ẩm. Do đó, xác suất xảy ra giông lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh sẽ nhiều hơn, tập trung cao điểm vào khoảng tháng 4-5 tới.

Trước đó, trong bản tin dự báo mùa, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đưa ra cảnh báo, El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng từ tháng 4-6/2024 với xác suất 75-80%.

Vườn mận tại Mộc Châu bị dập, gãy do mưa đá chiều 28/3

Vườn mận tại Mộc Châu bị dập, gãy do mưa đá chiều 28/3

Từ tháng 4, không khí lạnh hoạt động yếu và ít có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; đặc biệt trong các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong thời kỳ chuyển mùa (tháng 4-5).

Trước đó, từ đêm 27 đến ngày 29/3, tại nhiều địa phương ở khu vực vùng núi phía Bắc và Quảng Ninh đã xuất hiện giông lốc, mưa đá gây thiệt hại lớn cho hoa màu và tài sản.

Cụ thể như, chiều 29/3, một số địa phương trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí... đã có mưa dông, lốc; một số nơi có xuất hiện mưa đá. Theo ghi nhận, hiện tượng này kéo dài khoảng 20 phút. Mưa dông không gây thiệt hại về người, song xảy ra ngập cục bộ, tốc mái nhà, làm gẫy cây xanh, cột điện tại một số nơi...

Chiều tối 28/3, tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), mưa đá bắt đầu từ đầu giờ chiều và kéo dài tầm 15-20 phút. Những hạt to bằng ngón tay, phủ thành lớp trắng xóa trên mặt đất. Huyện Mộc Châu thống kê khoảng 2.500ha mận hậu đang ra quả bị ảnh hưởng do mưa đá.

Tỉnh Hà Giang cũng thống kê sơ bộ, trận mưa đá kéo dài khiến 1.291 ngôi nhà tại nhiều xã của huyện Yên Minh và một số xã tại Mèo Vạc bị hư hỏng mái; giông, lốc cũng làm tốc mái Trường THCS Xín Cái (Vèo Vạc).

Ngoài ra, nhiều khu vực ở vùng núi Nghệ An cũng xảy ra hiện tượng mưa đá. Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cho biết, mưa đá xảy ra chiều 28/3, dày đặc nhất là ở bản vùng sâu, vùng xa của xã Mỹ Lý.

Các chuyên gia khí tượng khuyến cáo, trước các hình thái thời tiết trên, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia; các Đài khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực; các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân; tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra giông, lốc, sét, mưa đá... Đồng thời, tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.