Mua bán trẻ sơ sinh nhằm… trốn thi hành án
Tội phạm mua bán người hiện nay đang xuất hiện với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi, sử dụng công nghệ cao, phi đạo đức, phi truyền thống,... Nhận diện được xu hướng của các loại tội phạm mua bán người, Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch đấu tranh, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp, phối hợp với các cấp, các ngành huy động cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Tháng 8-2024, CATP. HCM triệt xóa đường dây mua bán trẻ sơ sinh núp bóng hoạt động cho nhận con nuôi có liên quan đến 32 tỉnh, thành do nhóm đối tượng Nguyễn Thị Ánh Đào (SN 1989) trú tỉnh Nghệ An; Hoàng Thị Nhung (SN 1982) trú tỉnh Đồng Nai; Đỗ Thị Thúy Ngân (SN 1994) trú tại Hà Nội; Cao Thị Thu Phương (SN 1983) trú tại Hải Phòng cầm đầu.
![]() |
Các đối tượng Cao Thị Thu Phương và Nguyễn Thị Ánh Đào |
Quá trình điều tra xác định, từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm này thông qua hội nhóm kín trên mạng xã hội để liên hệ, kết nối với các phụ nữ mới sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con. Qua đó, nhóm đã mua 16 đứa trẻ có độ tuổi từ 3 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi, với số tiền từ 10 - 23 triệu đồng/trẻ. Sau đó, các đối tượng bán lại với số tiền từ 35 - 75 triệu đồng/trẻ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Đáng nói, trong vụ án này lực lượng ban chuyên án giải cứu thành công bé trai 20 ngày tuổi bị đối tượng Vi Thị Anh (SN 1986) trú tại Sơn La vừa mua được từ nhóm đối tượng. Vi Thị Anh đang chờ chấp hành 2 bản án với tổng hình phạt hơn 12 năm 6 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Người này mua trẻ sơ sinh, nhận làm con nuôi nhằm mục đích để hoãn chấp hành án phạt tù.
Mẹ đẻ mang con ruột đi bán
Trong chuyên án phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh do đối tượng Nguyễn Thị Linh Giang (SN 1991) trú tại Hà Nội giữ vai trò chủ chốt, cơ quan điều tra đã xác định có tới 10 bà mẹ… bán con cho các đối tượng.
![]() |
Cơ quan điều tra làm việc với Nguyễn Thị Linh Giang |
Mang thai ngoài ý muốn, điều kiện gia đình khó khăn… là lý do mà những người phụ nữ này đăng thông tin trên mạng xã hội để cho con đẻ của chính mình. Còn các đối tượng như Nguyễn Thị Linh Giang dùng mạng xã hội với tên ảo tham gia hội nhóm cho nhận con nuôi. Trong vai người đang muốn nhận con nuôi, đối tượng đặt vấn đề mua trẻ sơ sinh, liên hệ với những người muốn “bán” con với giá từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Sau đó tiếp tục tìm kiếm những người hiếm muộn thực sự có nhu cầu muốn nhận con nuôi để bán lại trẻ sơ sinh đó với giá từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
Ngoài ra, đối tượng còn dùng thủ đoạn báo mất giấy tờ tùy thân của các sản phụ khi nhập viện, khai báo gian dối thông tin để bệnh viện cấp giấy chứng sinh không đúng thông tin thật, mục đích nhằm hợp pháp hóa khai sinh cho các gia đình hiếm muộn khi mua trẻ hoặc trong quá trình di chuyển bằng đường hàng không.
![]() |
Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh do Nguyễn Thị Linh Giang giữ vai trò chính |
Để thu lợi nhiều hơn, Giang móc nối với một số đối tượng để tổ chức đưa những người mang thai ngoài ý muốn muốn bán con xuất cảnh qua Trung Quốc sinh và bán trẻ cho người Trung Quốc. Mỗi trường hợp xuất cảnh bán trẻ, Giang trả cho mẹ bé số tiền từ 70 đến 80 triệu đồng. Giang thu lợi từ 50 đến 70 triệu đồng/ vụ.
Ngoài khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh này Cơ quan điều tra còn làm rõ hành vi “bán” con nhẫn tâm của các bà mẹ.
Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã điều tra, khám phá nhiều vụ mua bán trẻ em qua mạng cho thấy mạng xã hội đang trở thành 1 công cụ để tội phạm thực hiện hành vi mua bán người.
![]() |
Đối tượng Nguyễn Thị Linh Giang |
Phương thức thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường lợi dụng các hội nhóm nhận con nuôi trên Facebook, Zalo, Telegram để tìm kiếm con mồi. Chúng cũng làm giả giấy tờ để hợp thức hóa hành vi phạm tội. Sự câu kết giữa người mua, người bán, môi giới đã hình thành những đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên biên giới.
Người dân cần cảnh giác với những lời đề nghị “xin con” trên mạng xã hội, tìm hiểu kỹ thông tin về người nhận nuôi; báo cáo ngay cho cơ quan công an nếu phát hiện dấu hiệu nghi vấn. Đây cũng là bài học đối với những người làm cha mẹ, muốn cho - nhận con nuôi hãy thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đến các trụ sở cơ quan được cấp phép để thực hiện hành động nhân đạo này.
Buôn bán người, nhất là trẻ sơ sinh là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm quyền cơ bản của con người cụ thể là quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Tội mua bán người có chế tài xử phạt cao nhất lên đến 20 năm tù theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm mua bán người của lực lượng chức năng, các cơ sở y tế trong quá trình khám chữa bệnh cho người đang mang thai, cần phải có biện pháp tư vấn về tâm lý và sức khỏe sinh sản; đặc biệt cần quan tâm đến việc đăng ký và theo dõi các trường hợp không có điều kiện nuôi dưỡng đứa trẻ, từ đó góp phần ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người.