Một tuần để giải cứu Eurozone?

ANTĐ - Kết quả  thăm dò mới nhất cho thấy viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu có vẻ đang có chiều hướng u ám hơn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhận định này là do sự làm ăn ngày càng khó khăn hơn của khu vực kinh tế tư nhân thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đà phục hồi không vững chắc của nền kinh tế Mỹ cộng với tốc độ phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.  

Thăm dò của hãng tin Reuters, công bố ngày 21-6 cho biết tháng 6 vừa qua là tháng thứ 5 liên tiếp các hoạt động kinh tế nói chung của khu vực Eurozone bị sụt giảm, tác động mạnh tới hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp. 

Chỉ số sản xuất và dịch vụ của khu vực Eurozone trong suốt 9 tháng qua đều dưới mức 50%, trong đó tháng 5 và tháng 6 là 46,0% và 45,5%. Thực trạng này đang gây áp lực nặng nền hơn thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể phải có thêm các hành động để hỗ trợ kinh tế khu vực phát triển. 

Tốc độ tăng GDP trong quý II/2012 của Trung Quốc dự báo sẽ là quý thứ 6 liên tiếp bị giảm, có thể chỉ đạt mức tăng 7%. Xu hướng xấu hơn của nền kinh tế châu Âu và sự phát triển chậm lại của kinh tế Trung Quốc là những nguyên nhân khiến Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 20-6 đã quyết định kéo dài chương trình "Operation Twist", theo đó tiếp tục mua trái phiếu dài hạn ít nhất cho tới cuối năm 2014 để khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp vay và chi tiêu. FED cũng tuyên bố sẽ có thêm hành động nếu tình hình châu Âu diễn biến theo hướng nghiêm trọng hơn. 

Bất chấp việc Hy Lạp vượt qua cuộc bầu cử "trừng phạt" và công bố bộ máy Chính phủ mới, tình hình tại Eurozone vẫn không có bước tiến triển khả quan nào. Lãi suất trái phiếu Tây Ban Nha, Italia đã lần lượt thiết lập mức đỉnh mới trong lịch sử 13 năm tồn tại của đồng tiền chung, cho thấy nhà đầu tư đã mất sự kiên nhẫn với triển vọng tái ổn định của khu vực. Trong khi đó, sau khi Tây Ban Nha thừa nhận phải cần thêm 62 tỷ euro để giải cứu ngân hàng, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã tiến hành một động thái chưa từng có là hạ cấp tín dụng của 15 ngân hàng lớn nhất thế giới. Việc HSBC, Credit Suisse, Barclays, Citigroup... bị hạ cấp tín nhiệm cho thấy ngay cả những “gã khổng lồ” của hệ thống tài chính toàn cầu cũng trở nên dễ tổn thương hơn do những rủi ro trên thị trường vốn.

Hai ngày sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Mexico với sự thống nhất hiếm hoi của châu Âu về việc thành lập liên minh ngân hàng, lãnh đạo Đức, Pháp, Tây Ban Nha đã có mặt tại Rome để thảo luận với nước chủ nhà Italia về những bước đi mới để giải cứu châu Âu, trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào tuần tới. Tuy nhiên, kỳ vọng giải quyết căn bệnh nợ nần của châu Âu trong 1 tuần của lãnh đạo Italia chắc chắn là một nhiệm vụ bất khả thi, nhất là sau những gì Eurozone đã thể hiện suốt 2 năm qua.