Một tấm lòng thành

ANTĐ - Bà ngoại tôi mất sớm. Bố mẹ tôi đi làm. Thời thơ ấu tôi gắn bó với bà nội. Bà thường đưa tôi đi học và đón tôi về. Chăm sóc việc ăn uống hàng ngày, bà lo cho tôi rất chu đáo.

Bây giờ, tôi đã là một thanh niên, đang học xa nhà và bà nội tôi cũng đã cao tuổi. Khi nghĩ về người thân, tôi hay nhớ về bà nội.

Gần suốt đời người, bà tôi không xem bói, xem số vì bà không thích, không tin, không mê tín. Nhưng lòng bà lại rất thành. Ngày rằm, mồng một, giỗ hoặc Tết… đứng trước bàn thờ tổ tiên, bà đều nguyện cầu cho cả gia đình được may mắn, được bình an. Còn riêng bà, bà chỉ cầu cho mình có ba điều. Đó là: khỏe đôi chân, mạnh đôi tay và tỏ đôi mắt. Bà giải thích: “Khỏe đôi chân để đi lại được. Mạnh đôi tay để làm được việc và rõ đôi mắt để nhìn được, xem được ti vi, xem được báo, để tuổi già của bà không đơn điệu, vô vị, buồn chán”.

Bà bảo: Bà không dám mong sáng đôi mắt, vì tuổi bà đã cao rồi, làm sao còn có thể sáng đôi mắt được. Mong như thế là không thực tế. Bà tiếp: “Bà mong thế thôi chứ không phải cứ mong, cứ muốn là có, là được. Sự đời không đơn giản thế đâu”.

Hợp tôi, nên bà hay trò chuyện. Bà bảo: “Thời trẻ, bà ý tứ và tế nhị lắm. Khi nói chuyện, bà quan sát thái độ của người nghe, thấy họ không chú ý, không hứng thú, là dừng lại, hoặc chuyển sang chuyện khác. Còn nếu mình cứ thao thao bất tuyệt, nói để mà nói, còn người ta có nghe hay không, mình không cần biết, thì lời nói ấy sẽ bay theo gió. Còn người nghe thì ong ong, tai tái cả đầu”.

Có một hôm, tôi hỏi bà: “Bà ơi! Trăm voi không được bát nước xáo, nghĩa là gì hả bà?”. Bà cười: “Đó là câu thành ngữ chỉ người hứa này, nọ, nhưng không làm, không thực hiện. Hoặc chỉ người nói nhiều nhưng lời nói không có trọng lượng, nội dung rỗng tuếch. Tóm lại là chỉ kiểu người không đáng tin cậy”.

Thời gian trôi đi. Vạn vật có bao điều thay đổi, song những gì về bà nội, đối với tôi, mãi mãi trường tồn, vĩnh cửu.