Một sản phụ tử vong bất thường tại bệnh viện

ANTĐ - Đó là trường hợp của sản phụ Lê Thị Nguyệt (1979, giáo viên dạy môn Mỹ thuật, Trường THCS Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam).

Rạng sáng 6-5, chị Nguyệt được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức sinh con, nhưng vài giờ sau thì các bác sĩ thông báo người mẹ đã chết, chỉ cứu được con khiến gia đình và dư luận vô cùng ngỡ ngàng, bức xúc.

Theo anh Nguyễn Ngọc Hoàng (1980, chồng chị Nguyệt), khoảng 3 giờ ngày 6-5, thấy vợ đau bụng chuyển dạ nên gia đình đưa Nguyệt đến BV Đa khoa Vĩnh Đức (tại TT Vĩnh Điện, H. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chờ sinh.  Sau hơn 2 giờ thực hiện các thủ tục ban đầu như: siêu âm, xét nghiệm, đo điện tim, thấy chị Nguyệt vẫn bình thường và trước đó 5 năm đã sinh con đầu lòng bằng phương pháp mổ nên đến khoảng 6 giờ, các bác sĩ đã hoàn thành thủ tục, tiến hành mổ sinh cho chị Nguyệt. Khoảng 15 phút sau, bé trai nặng 2,6 kg con của chị Nguyệt đã cất tiếng khóc chào đời và được chuyển ra ngoài để người nhà chăm sóc. Lát sau, anh Hoàng đến gặp bác sĩ hỏi tình hình sức khỏe của vợ thì được biết chị đang nằm nghỉ dưỡng tại phòng mổ.

Đến khoảng 7h15, anh Hoàng nhận được thông báo của bác sĩ là sức khỏe chị Nguyệt đang quá yếu. Sợ vợ có chuyện không hay, anh Hoàng đề nghị được chuyển vợ ra BV Đà Nẵng để kịp thời theo dõi nhưng các bác sĩ ca trực không đồng ý vì cho rằng chị Nguyệt đang quá yếu không nên di chuyển. Tuy nhiên, khi anh Hoàng yêu cầu được vào thăm vợ thì các bác sĩ từ chối. Hơn 1 giờ đồng hồ chờ đợi nữa, anh Hoàng sốt ruột  vào hỏi thăm tình trạng sức khỏe của vợ và được các bác sĩ thông báo là chị Nguyệt đang nằm tại khoa hồi sức cấp cứu nhưng sức khỏe rất yếu. Đến 9h45, anh Hoàng tiếp tục yêu cầu BV chuyển chị Nguyệt ra Đà Nẵng điều trị nhưng lần này yêu cầu của anh cũng không được đáp ứng nên anh đành cố gắng đợi chờ. Đến khoảng 11h35, anh nhận được tin dữ từ BV là vợ anh đã tử vong. Trong đau đớn và bức xúc trước cái chết của vợ nhưng anh đành đưa thi thể vợ về quê. Chiều cùng ngày, Trung tâm Pháp y tỉnh cùng CA tỉnh, CAH Điện Bàn đã đến khám nghiệm tử thi và sau đó có thông báo (bằng miệng) là chị Nguyệt chết do nghẽn mạch phổi (!?).

Vừa ra đời, bé trai này đã không được mẹ chăm sóc.

Vừa ra đời, bé trai này đã không được mẹ chăm sóc. 

Anh Lê Văn Dũng (anh trai chị Nguyệt) cho biết: “Khi người nhà chúng tôi hỏi các bác sĩ nguyên nhân vì sao Nguyệt tử vong thì họ không chịu trả lời mà lại bỏ trốn. Bức xúc trước việc này, chúng tôi đòi gặp giám đốc BV để hỏi cho ra chuyện nhưng nhân viên bảo giám đốc đã đi công tác. Tuy nhiên, sau đó Giám đốc BV là Trần Công Ân đã đồng ý gặp mặt để nói chuyện với gia đình. Theo giải thích của ông Ân thì khi các bác sĩ vừa lấy đứa bé ra từ bụng sản phụ thì phát hiện da Nguyệt bắt đầu tím tái, khó thở và sau đó ít phút thì ngừng thở... Như thông tin ông Ân nói thì Nguyệt đã tử vong trước 7h nhưng mãi đến gần 12h BV mới có thông báo chính thức nên càng làm cho chúng tôi bức xúc và hoài nghi về cái chết của Nguyệt”... Hiện bé trai con của chị Nguyệt sức khỏe vẫn bình thường, đang được gia đình đưa ra Trung tâm Phụ sản – Nhi Đà Nẵng nuôi dưỡng.

Theo ông Trần Công Ân - Giám đốc BV Đa khoa Vĩnh Đức, rạng sáng 6-5, sau khi nhập viện và tiến hành các thủ tục cần thiết, BV đi đến kết luận: chị Nguyệt sinh con lần 2, thai 37 tuần tuổi, vết mổ cũ, ối vỡ non, ra ối, sức khỏe thai phụ tốt cho sinh bằng phương pháp mổ nên bác sĩ Võ Văn Chính, bác sĩ Nguyễn Thanh Dũng cùng một số y tá, điều dưỡng đã tiến hành thực hiện ca mổ cho sản phụ. Đến 6h15, sau khi đưa được con chị Nguyệt ra khỏi mẹ thì phát hiện tình trạng sức khỏe của sản phụ diễn biến theo chiều hướng xấu nên chuyển qua chăm sóc đặc biệt nhưng chỉ ít phút sau thì chị Nguyệt đã tử vong.

Theo ông Ân có khả năng chị Nguyệt bị “tắc mạch ối” làm nước ối tràn vào máu, chảy lên phổi dẫn đến khó thở và gây tử vong nhanh. Cho nên dù đội ngũ y, bác sĩ đã khẩn trương sơ cứu nhưng vẫn không thể kịp cứu được bệnh nhân. Cũng theo giải thích của ông Ân, bệnh lý “tắc mạch ối” như chị Nguyệt tuy xuất hiện với tần suất rất thấp, khoảng 1 trường hợp trong 8.000 – 30.000 thai nghén. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong rất cao (khoảng 80% các trường hợp mắc phải). Nhìn chung, “tắc mạch ối” thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ, mổ đẻ chủ động, nhưng cũng có thể xảy ra khi nạo thai, truyền dịch ối vào buồng tử cung, hay chấn thương ổ bụng, hoặc thậm chí sau đẻ.

Ông Ân cho rằng: “Sở dĩ các y, bác sĩ trong ca mổ khi thông báo việc chị Nguyệt đã tử vong phải tạm thời tránh đi nơi khác mà không giải thích cụ thể nguyên nhân vì sao chị Nguyệt tử vong là vì lo ngại sẽ gặp thái độ, hành động bức xúc của người nhà nạn nhân. Đa số y, bác sĩ nào rơi vào trường hợp đó thì đều phải tạm thời tránh mặt người nhà nạn nhân thôi... Hiện tại chúng tôi cũng đã tổ chức thăm viếng và động viên gia đình nạn nhân, đồng thời tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm. Hiện vụ việc đang được cơ quan CA điều tra làm rõ. Khi nào có kết luận của CQĐT về nguyên nhân dẫn đến tử vong đối với phụ sản Nguyệt và đúng sai thuộc về ai thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý thích đáng...”.