Một ngọn núi bỗng dưng phun lửa, nhả khói - có phải “thần núi” thức giấc báo điềm gở

ANTĐ - Một tốp người đi rừng hái măng rừng kể lại, vào một hôm khi họ đang ngồi nghỉ ở lưng chừng núi Suối Dẹn thì đỉnh núi ngùn ngụt phả lên cột khói trắng. Tưởng cháy rừng, họ hốt hoảng tìm đường xuống núi mà không dám quay mặt lại. Khi xuống được nửa chặng đường, đến chỗ thoáng nhất có thể nhìn thấy đỉnh núi, ngước lên thì thấy cột khói vẫn cao như vậy và phát ra từ một điểm nên đã yên tâm không phải lo cháy rừng, nhưng lại cảm thấy rờn rợn trong người vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra…

Hang Gió và núi phun lửa

Có một câu chuyện được thuật lại rằng ở tỉnh Phú Thọ có một ngọn núi đã từng có thời điểm bỗng dưng đêm đêm bốc lửa ngùn ngụt, ngày ngày phun ra những cột khói trắng cao ngút trời. Việt Nam có núi lửa không? Lục lại trí nhớ và sự hiểu biết của chúng tôi thì ở Việt Nam những ngọn núi lửa đã “ngủ yên” hàng triệu năm. Nhưng nhỡ đâu núi lửa bỗng dưng “thức giấc”? Vậy là chúng tôi có mặt tại xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ để mục sở thị hiện tượng kỳ lạ này. 

Ngọn núi có hiện tượng “đêm phun lửa, ngày nhả khói” là núi Suối Dẹn cao hơn 1.000m, thuộc xã Thượng Cửu, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Sự việc được bắt đầu  khi đỉnh ngọn núi Suối Dẹn - nơi có những tảng đá to bằng mấy người ôm, lổng chổng, chất chồng lên nhau, chỉ lưa thưa một vài cây rừng mọc bất ngờ “nhả” ra một cột khói trắng cao ngất trời từ chiếc hang Gió có miệng tròn vo, sâu hun hút như cái giếng khổng lồ không đáy. 

Câu chuyện của những người đi rừng ngay lập tức được người dân sống dưới núi bàn tán xôn xao, đổ xô ra vị trí dễ nhìn để xem khói bốc ra trên đỉnh núi. Theo kinh nghiệm thực tế của dân bản thì đây không phải là khói của hiện tượng cháy rừng vì khi đó khói bốc lên có màu đen; đây lại là màu trắng xóa, và nếu là cháy rừng thì lửa đã phải lan rộng ra các cây ở sườn núi, khói phải tản ra các hướng, đằng này khói lại túm tụm thành cột hướng thẳng lên trời nhìn giống như cái vòi rồng trong những cơn bão biển vậy. Không những thế buổi tối hôm cột khói trắng xóa phun cao, trên đỉnh núi Suối Dẹn bỗng sáng bừng cả một vùng trời, thi thoảng lại phụt lên ngọn lửa đỏ rực, cao gần bằng cột khói. Tối hôm đó cả xóm làng hoang mang, nhiều người sợ hãi đến mức cả đêm không ngủ được, phút chốc lại chạy ra đường, hướng mắt về ngọn núi đang diễn ra hiện tượng lạ lùng. Nhiều nhóm khác lại  bàn luận rằng đây là hiện tượng “phun lửa, nhả khói” có dấu hiệu núi Suối Dẹn là ngọn núi lửa vừa “tỉnh giấc”? Cái tin “núi lửa… tỉnh giấc” nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt, nhiều người bỏ cả việc đồng áng về tận xã Thượng Cửu để xem thực hư về ngọn núi xảy ra hiện tượng lạ…

Từ một điềm báo gở

Những hiện tượng lạ lùng, kỳ bí của thiên nhiên khi chưa được giải mã thì nó thường kéo theo những đồn thổi về những câu chuyện ma mị xung quanh. Từ lời khuyên nên nhanh chóng rời khỏi khu vực chân núi Suối Dẹn để tránh những tai kiếp có thể xảy ra thì người ta bắt đầu kể cho nhau nghe rằng, cách đây không lâu khi ngọn núi chưa “phun lửa, nhả khói” thì họ nhận được một điềm báo rất gở. Hôm đó, có khoảng gần 10 người cùng nhau đi trồng sắn ở khu vực lưng chừng núi Suối Dẹn, mặt trời đang rọi những tia nắng xuống sườn đồi bỗng lẩn khuất đi đâu mất, thay vào đó là mây đen ùn ùn kéo đến. Thấy cơn giông bão sắp nổi lên, những người trồng sắn vội vàng ra về. Trên đường xuống chân núi, họ bắt gặp một con rắn to như cây chuối rừng, da màu đỏ như lửa nhìn chằm chằm vào những kẻ xa lạ. Sau đó ít lâu, trong một ngày trời nắng nóng cao độ, 2 người trong số ấy đang khỏe mạnh thì bỗng dưng bị ngất…

Sau những đồn đoán là những chuyện lạ được thêu dệt rằng trên đỉnh chỉ có toàn đá mà vẫn có cây cối mọc lên xanh tươi; trên núi có một cây si cổ thụ, to bằng mấy người ôm, ai đó đi đến đây mà chửi bậy thì sẽ bị lạc trong rừng, không bao giờ tìm được đường ra vì bị “thần núi” trừng phạt; gần đây trên núi không hiểu từ đâu ra bỗng xuất hiện một con hổ dữ cứ ban chiều lại gầm rú khiến núi rừng rung chuyển... Thậm chí, có người dân còn khẳng định rằng sau khi xảy ra chuyện “núi… phun… lửa” kiểu gì cũng sẽ chết nên mới quên hết sợ hãi mà tìm lên đỉnh núi để được một lần nhìn thấy cái rốn của vũ trụ báo hiệu “ngày tận thế”. Sau khi tin đồn “núi lửa” và “ngày tận thế” xuất hiện, đời sống người dân xã Thượng Cửu đã bị đảo lộn hoàn toàn. Nhiều người khuyên nhau rằng nên tìm cách lánh tạm sang nhà người quen ở các xã khác, nhưng nếu là núi lửa báo hiệu “ngày tận thế” thì đi đâu cũng chết nên họ quyết định bám trụ lại địa phương. Có điều những ngày sau đó nhiều nhà tìm cách ăn ngon hơn, vì thế gia cầm tại địa phương cứ hao hụt dần. Bà con sống ở xóm Mu dưới chân núi Suối Dẹn là những cư dân hoảng sợ nhất.  Anh Hà Văn Vớ cho biết: “Từ thời điểm xảy ra sự việc trên, cả nhà tôi ngày đêm ăn không ngon, ngủ không kỹ. Tôi cũng chẳng thiết đi rừng hay làm bất cứ một công việc nào nữa, chỉ ở nhà chơi không. Thời gian trôi đi, mọi chuyện lắng xuống rồi cuộc sống lại bình thường trở lại”...

Đi vào hang “núi lửa” 

Có mặt tại điểm hẹn, chúng tôi theo chân 2 tổ viên Tổ Quản lý và Bảo vệ rừng của xã Thượng Cửu bắt đầu hành trình thâm nhập ngọn núi Suối Dẹn. Từ trung tâm xã đi xe máy theo con đường gồ ghề đầy đá sỏi khoảng 7km mới đến được chân núi Suối Dẹn. Tại đây, khách phải gửi xe để “nuốt” tiếp hành trình đi bộ leo núi kéo dài khoảng vài giờ đồng hồ. Con đường mòn bé xíu chỉ đủ một người đi càng thêm khó khăn sau mấy đêm mưa rào. Lúc đầu đường còn thoáng đãng, nên chúng tôi di chuyển còn dễ dàng, nhưng chỉ 20 phút sau là phải đối diện với những pha luồn người, cúi lưng mà đi. Vì là rừng nguyên sinh nên cây cối rậm rạp, thi thoảng 2 tổ viên lại phải dùng dao phát những cây che khuất lối đi để đánh dấu đường. Càng lên đến gần đỉnh núi, đường đi càng khó khăn hơn với hình chóp nhọn và mùi khen khét của khói càng sộc mạnh hơn vào mũi. Leo lên vài ba con dốc như vậy, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân lên được đỉnh ngọn “núi… phun… lửa”. Một cảnh hoang tàn hiện ra trước mắt, cây cối chết khô héo nhưng không hề có một ngọn lửa nào bốc lên. Khu vực trung tâm có khói bốc lên từ đá có nhiệt độ ấm hơn, những rễ cây bám vào đá và lớp thực vật rêu, sỉ đã đen thành than. Theo thống kê sơ bộ của Tổ Bảo vệ rừng, tại khu vực có khói có khoảng 15 cây táu đường kính 30cm trở lên và 40 cây táu đường kính dưới 30cm bị khói lửa táp vào đang chết dần. Đúng là một điều lạ lẫm vì các cây đều bị chết do một lượng nhiệt lớn làm cháy từ rễ cây. Lớp thực vật bám vào đá hoặc gốc cây nối liền nhau đều đã đen thành than. Chiếc hang Gió bị khuất sau những tảng đá to, không có đường ra cũng không còn cột khói trắng xóa hay hiện tượng lạ nào...

   

Lời giải mã 

Đem những gì thấy được trên núi Suối Dẹn trao đổi với ông Hà Văn Nhận, Chủ tịch xã Thượng Cửu thì được biết: “Chuyện trên đỉnh núi Suối Dẹn xuất hiện cột khói trắng, đêm bốc lên ngọn lửa là chuyện có thật. Vì thế ngay sau khi phát hiện ra hiện tượng lạ, UBND xã Thượng Cửu đã cử Tổ Bảo vệ rừng lên dò xét tình hình xem thực hư như thế nào. Khi lên khu vực xảy ra chuyện lạ, Tổ Bảo vệ rừng dù đã quan sát rất kỹ lưỡng nhưng cũng chỉ thấy khói trắng bốc lên từ những tảng đá to ở khu vực đỉnh ngọn núi. Lại gần thì thấy luồng khói phát lên từ sâu trong lòng đất, tập trung ở khu vực hang Gió”. Cũng theo ông Nhận, sau khi Hạt Kiểm lâm huyện vào theo dõi thì đã khẳng định được nguyên nhân chính là do cháy rừng, lý do ngọn lửa không thể lan rộng ra các khu vực xung quanh là do đây là kiểu “cháy rừng âm”, tức là cháy rừng trong lòng đất và địa điểm xảy ra cháy toàn là đá, cây rừng thưa thớt. Ông Hà Văn Kỳ, Tổ trưởng Tổ Quản lý và Bảo vệ rừng cho biết: “Đúng là có khói, có lửa phát ra trên đỉnh núi Suối Dẹn nhưng không có chuyện ngọn núi lửa “thức giấc” báo điềm gở, hay ngày tận thế như bà con đồn thổi. Chỗ phát lên cột khói là các luồng khói bốc lên từ sâu trong lòng đất. Hang Gió có ngọn lửa là do lá cây rụng lâu ngày rơi vào hang tạo thành lớp thực bì dày, sau đó lớp thực bì này bị lửa đốt nên xảy ra hiện tượng cháy âm”. 

Tại Trạm Kiểm lâm đồn Vàng Thanh Sơn, ông Nguyễn Quang Trọng, Phó Hạt trưởng và cũng là người trực tiếp cùng Tổ Quản lý và Bảo vệ rừng cùng dân quân túc trực theo dõi và dập cháy rừng cho biết: “Cháy rừng có 3 dạng, trong đó cháy ngầm là một trong những dạng cháy khó phát hiện nhất. Chúng tôi xác định việc cháy trên đỉnh Suối Dẹn chính là cháy ngầm. Giả thuyết đầu tiên được đặt ra là do bà con dân tộc đi đánh bẫy chồn, dúi trong hang Hiểm đã làm ngọn lửa phát cháy từ sâu trong lòng hang, từ điểm phát cháy ngọn lửa lan nhanh ra lớp thực bì dày lâu năm”...