Một loạt quan chức Liberia bị sa thải vì ở lại nước ngoài trốn dịch Ebola

ANTĐ - Không chấp hành lệnh triệu hồi của tổng thống, một loạt quan chức cấp cao của Liberia “cố thủ” ở nước ngoài không chịu về nước vì sợ dịch Ebola.
Tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sirleaf, đã sa thải toàn bộ trưởng Nội các và các quan chức hàng đầu khác của nước này đang ở nước ngoài, những người đã coi thường lệnh triệu hồi của bà trong bối cảnh quốc gia Tây Phi này đang phải chật vật đối phó với sự bùng nổ dịch bệnh Ebola chưa từng có.
Thông cáo từ Văn phòng Tổng thống Liberia không nêu cụ thể số lượng cũng như danh tính của các quan chức bị sa thải. Lệnh trở về nước và không rời khỏi Liberia được đưa ra cách đây vài tuần như một phần tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên do quá sợ hãi dịch bệnh Ebola, các quan chức cấp của của Liberia đang ở nước ngoài “cố thủ” không chịu về nước theo lệnh triệu tập của vị nữ tổng thống.

Một loạt quan chức Liberia bị sa thải vì ở lại nước ngoài trốn dịch Ebola ảnh 1
Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf.

Dịch bệnh Ebola tại Tây Phi đã làm hơn 1.400 người ở Liberia, Sierra Leone, Guinea và Nigeria thiệt mạng. Trong đó, Liberia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Phát biểu tại phiên họp báo hằng ngày, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết cơ quan này đang tập trung đối phó với tình trạng bùng phát dịch Ebola tại khu vực Tây Phi. Tuy nhiên, công tác này đang gặp thách thức do hoạt động chuyên chở bằng đường không đến và đi tới các quốc gia này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một loạt quan chức Liberia bị sa thải vì ở lại nước ngoài trốn dịch Ebola ảnh 2
Kiểm tra thân nhiệt ở sân bay. (Nguồn: voanews.com)

Theo ông Dujarric, việc một số nước hạn chế hay cấm các chuyến bay xuất phát hoặc quá cảnh tại các nước bùng phát dịch ở Tây Phi mặc dù có thể cảm thông, song là hành động không được cho phép. Biện pháp này không phải là lựa chọn tối ưu nhằm ngăn chặn virus Ebola lây lan.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc nhấn mạnh các lệnh hạn chế bay đã cản trở các tổ chức nhân đạo quốc tế triển khai nhân sự tới hỗ trợ các quốc gia Tây Phi kiểm soát dịch, góp phần làm cô lập cả về kinh tế và ngoại giao đối với các nước này.
Người đứng đầu Cơ quan điều phối ứng phó dịch Ebola của Liên Hợp Quốc, ông David Nabarro cho biết thế giới có thể mất ít nhất 6 tháng nữa mới có thể kiểm soát được dịch bệnh nguy hiểm này.