Một chương trình mang nhiều ý nghĩa
(ANTĐ) - Thật hiếm thấy nơi nào trên thế giới này lại mất mát nhiều đến như vậy vì chiến tranh. Hơn 2 triệu người đã hy sinh và bị thương trong 2 cuộc chiến, trong số đó có 1,1 triệu người đã vĩnh viễn nằm lại khắp các chiến trường.
Nhưng đau đớn hơn, 30 vạn người trong số đó chưa biết chính xác phần mộ và người hy sinh. Và có lẽ cũng chẳng ở đâu, cả một hệ thống truyền thông đại chúng lại vào cuộc tích cực như thế để tìm lại những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Truyền hình, báo in đều lấy tên chuyên mục là Nhắn tìm đồng đội, báo phát thanh thì gọi tên là Đi tìm những người con hy sinh vì Tổ quốc, và có hẳn một website của những người trẻ tuổi cũng lấy tên Nhắn tìm đồng đội.
Gặp những người làm chương trình này, họ đều còn rất trẻ, có thể do nhiệm vụ phân công họ phải làm như thế, nhưng tận sâu trong tấm lòng của mỗi con người đều ghi nhớ câu nói: Gia đình nào cũng có những mất mát vì chiến tranh, thế hệ được sống trong hòa bình hôm nay cần làm gì để tri ân những người con đã ngã xuống cho mảnh đất này. Họ đều tự nhủ, làm được điều gì cho thế hệ trước thì mình sẽ hết sức cố gắng.
Nhắn tìm đồng đội sẽ ngày càng khó để tìm thấy những phần mộ của liệt sĩ, vì tốc độ đô thị hóa của đất nước hôm nay, nhiều công trình mọc lên làm mất đi dấu cũ cách đây đã vài chục năm. Không chỉ là nhắn tin về các trường hợp đi tìm, Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân còn mở hẳn chuyên mục những cộng tác viên đăng tin thông báo về những trường hợp các liệt sĩ hiện đã quy tập về các nghĩa trang nhưng thân nhân không biết để đến nhận.
Đó là tia hy vọng lớn lao cho các gia đình và việc làm này đã phát huy hết sức hiệu quả của những chương trình đi tìm đồng đội. Mặc dù gặp không ít trở ngại từ nhiều phía, đó là những cộng tác viên thông báo tin tức hoàn toàn tự nguyện, họ không được trả kinh phí cho những chuyến đi đến các nghĩa trang để ghi tên và thậm chí còn bị những người quản trang ngăn cản vì nghĩ rằng họ đang lợi dụng để kiếm tiền trên những nắm xương của các liệt sĩ.
Chắc hẳn trong chúng ta chưa ai quên bác Đoàn Văn Líu, nhà ở phố Khâm Thiên, Hà Nội đã nhiều năm liền ghi lại thông tin để báo cho các gia đình và được nhận Bằng khen của Chủ tịch nước. Dường như có một sự thần giao cách cảm giữa những con người làm việc thiện khi bác Líu vừa qua đời ngày hôm trước thì ngay ngày hôm sau, có một bác khác tên Nguyễn Tiến Xuân, ở xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội đã tình nguyện làm công việc đó thay bác Líu, mặc dù hai người không hề biết nhau và bác Xuân cũng không hề biết bác Líu đã mất.
15 năm đã trôi qua với các chương trình nhắn tìm đồng đội. Biết bao kỷ niệm buồn vui đầy xúc động đối với những người thực hiện. Sự thiếu nhân tính của một số kẻ lừa đảo lợi dụng việc làm nghĩa tình này để kiếm tiền, sự vui mừng khi nhận được hồi âm về đài, báo của các gia đình cho biết mình đã tìm thấy mộ, cao hơn nữa là sự sung sướng khi các anh không còn nằm một mình nơi đất lạnh mà đã về, sum vầy cùng gia đình trong những nén nhang thơm và lòng thành kính.
Song sự cố gắng của những chương trình này vẫn chưa được đền bù xứng đáng, số lượng người tìm thấy không nhiều, thậm chí còn nhiều gia đình mất hy vọng. Nói như Đại tá Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban biên tập truyền hình quân đội: “Chúng tôi làm chương trình này hy vọng để tìm thấy rất mong manh, chỉ cố gắng tìm được trường hợp nào hay trường hợp ấy nhưng cái lớn hơn của chuyên mục đó là để cho những người đang sống”.
Một chương trình khởi đầu chỉ từ một mục rất nhỏ, đó là ý kiến chiến sĩ của Truyền hình quân đội, là một mục 5 phút trong chương trình nhân đạo, đến nay các chương trình Nhắn tìm đồng đội đã trở thành những chương trình riêng độc lập với thời lượng 15 phút phát sóng, giới thiệu được khoảng 15 trường hợp đã tìm thấy hoặc để nhắn tin cho ai biết thì trả lời. Nó thực sự là cầu nối có ý nghĩa với rất nhiều gia đình để xoa dịu bớt phần nào nỗi đau chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm.
Nhân ngày tưởng nhớ về những người con hy sinh vì đất nước, xin bày tỏ tấm lòng cảm ơn chân thành đến các anh các chị đang góp sức mình vào một việc làm thiêng liêng, trả lại tên cho những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Châu Anh