“Mỗi làng một sản phẩm”

ANTĐ - Xuất phát từ Nhật Bản, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) đã lan tỏa tới ASEAN, giúp cải thiện đời sống người dân nông thôn.
“Mỗi làng một sản phẩm” ảnh 1
Du khách Nhật Bản tỏ ra quan tâm tới các sản phẩm nón làng Chuông của Việt Nam
 - một thành công theo mô hình OVOP


Ngày 19-3, Ban thư ký ASEAN phối hợp với Bộ Hợp tác xã và các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia đã tổ chức Hội thảo ASEAN về nông dân, nông nghiệp và nông thôn tại thành phố Yogyakarta, Indonesia. Tại đây, các quan chức và chuyên gia các nước thành viên ASEAN đã thảo luận và nhất trí đưa ra “Hướng dẫn ASEAN về cải thiện điều kiện sống nông thôn thông qua phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP)”. 

Được khởi xướng từ thành phố Oita (Nhật Bản) năm 1979, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP viết tắt từ One villge one product) ngày nay đã trở thành một trong những chương trình kinh tế khu vực thành công, do cách tiếp cận chuyển đổi các sản phẩm tại chỗ thành các sản phẩm cạnh tranh ở địa phương, quốc gia và toàn cầu. Điểm cốt lõi của OVOP là mỗi làng phải chọn cho mình một sản phẩm đặc biệt nổi trội, có tính cạnh tranh cao nhất so với các địa phương khác, để chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất. 

Phong trào OVOP đã đem lại thành công cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Oita và lan rộng toàn nước Nhật. Từ một tỉnh nghèo, Oita không lâu sau đó đã được thế giới biết đến nhờ các nông sản tuyệt hảo như nấm hương khô, chanh kakosu, rượu shouchu, lúa mạch, ngựa seiki... Phong trào này sớm trở nên nổi tiếng như một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương.

Thành công và sức hấp dẫn của phong trào OVOP còn lan tỏa từ nước Nhật đi nhiều nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Vốn gần gũi, được sự hỗ trợ của Nhật Bản thông qua Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng như có các làng nghề truyền thống, các quốc gia thành viên ASEAN đã áp dụng rồi nhân rộng mô hình OVOP tại nước mình.

Thái Lan là một trong nước triển khai thành công nhất phong trào OVOP. Sau chuyến đi tìm hiểu tại Oita của Thủ tướng Thái Lan, nước này đã phát động phong trào OVOP từ năm 2001 mà theo đó Chính phủ hỗ trợ về tiếp thị, xúc tiến bán hàng, huấn luyện và chuyển giao công nghệ cho nông dân nhằm phát triển các nghề thủ công truyền thống của Thái Lan, tạo ra sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương có chất lượng, độc đáo về mẫu mã, kiểu dáng, xuất khẩu rộng rãi trên thị trường thế giới. 

Sự thành công của OVOP tại Thái Lan đã khích lệ các nước thành viên khác của ASEAN áp dụng vào các mô hình mang sắc thái riêng của mình như mô hình mang tên “Satu Kampung Satu Produk” tại Brunei và Malaysia; “Balik Desa” ở Indonesia hay “One Tambon One Product” tại  Campuchia...  Các nước ASEAN, với sự hỗ trợ của Nhật Bản, cũng đã quyết định xây dựng hướng dẫn OVOP ASEAN cho các chính quyền địa phương và trung ương áp dụng, cũng như điều chỉnh phù hợp với các điều kiện kinh tế và xã hội, cơ cấu quản lý hành chính của từng khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) phát triển. 

Với ASEAN, OVOP hiện đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả trong việc cải thiện phúc lợi của người dân nông thôn, năng động kinh tế làng xã, thu nhập địa phương và đoàn kết xã hội thông qua việc tạo ra các sản phẩm độc đáo và giá trị gia tăng.