Mối họa cháy rình rập khu phố cổ

ANTĐ - Vụ cháy xảy ra ngày 25-12 tại số nhà 81 phố Hàng Bồ đã cho thấy nguy cơ cháy trong khu vực phố cổ không chỉ là “tiềm ẩn”, mà bất cứ lúc nào cũng có thể bùng phát gây thiệt hại lớn. Nếu công tác phòng ngừa không được làm tốt, hậu quả sẽ hết sức khó lường.

Mối họa cháy rình rập khu phố cổ ảnh 1Phố cổ chật hẹp nên chỉ 1 xe chữa cháy tiếp cận được hiện trường vụ hỏa hoạn
ở 81 Hàng Bồ

Chỉ tuyên truyền chưa đủ

Về công tác PCCC trên địa bàn phường, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ cho biết, vào các dịp đầu năm, phường đều xây dựng kế hoạch PCCC, trên cơ sở đó, CAP sẽ xây dựng phương án cụ thể. Tiếp theo, UBND phường tiến hành họp các tổ dân phố cùng các ban ngành đoàn thể để tổ chức tuyên truyền kế hoạch này. Kế hoạch cũng xác định rõ đặc trưng địa bàn phường có nhiều tuyến phố là phố cổ, với một số địa chỉ được coi là là trọng điểm về công tác PCCC như phố Lãn Ông (có nhiều hộ gia đình bán thuốc nam, thuốc bắc); phố Hàng Gà (chuyên kinh doanh hóa chất, in ấn)  và một số hộ sản xuất, buôn bán hương nằm ở phố Hàng Bồ và Bát Sứ… nên đã tập trung tuyên truyền, tổ chức tập huấn về PCCC. 

Bên cạnh đó, UBND phường cũng đã yêu cầu các hộ dân ký cam kết đảm bảo PCCC, tiến hành kiểm tra định kỳ, phát tờ rơi hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tránh để xảy ra cháy nổ đến từng hộ dân. Theo đó, từng hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh có trách nhiệm tự kiểm tra an toàn hệ thống điện; sắp xếp vật tư, phương tiện, hàng hóa trong nhà… gọn gàng, không gây cản trở các lối ra, vào. Khi xảy ra cháy cần nhanh chóng cắt điện khu vực cháy, hô hoán cho mọi người biết, sử dụng bình chữa cháy, chăn chiên thấm nước… để chữa cháy và thoát nạn. Do đó, những năm gần đây, dù hỏa hoạn vẫn xảy ra nhưng có chiều hướng giảm và không có thiệt hại về người! 

Phòng hỏa hoạn bằng… lý thuyết

“Bài” tuyên truyền về công tác PCCC mà chính quyền cơ sở trao đổi, có thể nói khá “ổn”. Nhưng thực tế lại không hoàn toàn “ổn” như thế. Cuối tháng 11 vừa qua, tại số nhà 68 phố Thuốc Bắc, phường Hàng Bồ cũng đã xảy ra hỏa hoạn. Một cán bộ Phòng cảnh sát PC&CC Hoàn Kiếm đánh giá, không riêng phường Hàng Bồ, nhiều hộ kinh doanh ở khu vực phố cổ chỉ chú trọng đến kinh doanh chứ chưa ý thức phòng ngừa hỏa hoạn. Cơ quan chức năng từng tuyên truyền, khuyến cáo 100% hộ kinh doanh trang bị bình bột, phương tiện chữa cháy, nhưng thực tế qua kiểm tra, số hộ trang bị chưa nhiều. 

Giáp Tết, phố cổ sẽ càng tập kết hàng hóa nhiều hơn. Trong khi đó, những nguy cơ hỏa hoạn vẫn hiển hiện. Hệ thống điện gia đình ít được nâng cấp; tình trạng sử dụng lửa trần (đun bếp, thắp hương) phổ biến; nhiều biển hiệu, pa nô làm bằng chất dễ cháy; đường ở phố cổ chật chội, nên tác nghiệp chữa cháy hết sức khó khăn. Trong vụ cháy số nhà 81 Hàng Bồ, lực lượng chữa cháy đã phải áp dụng chiến thuật tiếp nước để dập lửa. Nghĩa là thay vì cho xe chữa cháy trực tiếp tiếp cận hiện trường, lực lượng chữa cháy đã phải nối các vòi phun nước từ xa dồn vào cho 1 xe chữa cháy ở gần điểm cháy nhất. 

Có những con số thống kê đáng giật mình mà chúng tôi ghi nhận được, tính đến tháng 11-2014. Đó là địa bàn quận Hoàn Kiếm và khu phố cổ, nhiều trụ nước bị hỏng hoặc… không có nước. Bên cạnh đó, áp lực nước không ổn định ở nhiều tuyến đường phố. Việc duy tu, bảo dưỡng trụ nước chưa được thực hiện thường xuyên, nhiều trụ mất nắp, hỏng linh kiện nhưng không được thay thế, sửa chữa. Nhiều khu dân cư, phố cổ chưa được lắp đặt các trụ nước. Toàn quận Hoàn Kiếm có 166 tuyến đường phố, phần lớn nhỏ và ngắn. Trong đó, hơn 30 đường, phố xe chữa cháy khó tiếp cận; 845 ngõ xe chữa cháy không vào được…

Rõ ràng, chỉ tuyên truyền “suông” mà thiếu những biện pháp quyết liệt, hỏa hoạn ở khu phố cổ sẽ còn đe dọa người dân nơi đây.