Mới: Giấy chứng nhận căn cước bị tạm giữ, thu hồi khi nào?

ANTD.VN - Tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Căn cước, Bộ Công an đề xuất Giấy chứng nhận căn cước có thời hạn sử dụng 1 năm và có thể bị giữ, thu hồi trong một số trường hợp.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đến cơ quan công an quản lý căn cước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận căn cước nơi mình sinh sống để đề nghị cấp giấy chứng nhận căn cước.

Giấy chứng nhận căn cước bị thu hồi khi: Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được nhập quốc tịch Việt Nam hoặc nước khác; Giấy chứng nhận căn cước cấp sai quy định; Giấy chứng nhận căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.

Bên cạnh đó, Giấy chứng nhận căn cước bị giữ trong trường hợp: Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Trong thời gian bị giữ giấy chứng nhận căn cước, cơ quan giữ giấy chứng nhận căn cước xem xét cho phép người bị giữ giấy chứng nhận căn cước sử dụng giấy chứng nhận căn cước của mình để thực hiện giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp.

Người bị giữ giấy chứng nhận căn cước được trả lại giấy này khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam hoặc có quyết định hủy bỏ việc tạm giữ, tạm giam; chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về thẩm quyền thu hồi, tạm giữ giấy chứng nhận căn cước, Dự thảo nêu rõ, cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi giấy chứng nhận căn cước;

Cơ quan tiếp nhận, trả kết quả khi thực hiện thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam có trách nhiệm thu hồi để hủy giấy chứng nhận căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch và thông báo cho cơ quan quản lý căn cước;

Cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù; cơ quan thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện giữ giấy chứng nhận căn cước trong trường hợp quy định.

Việc giữ, trả lại giấy chứng nhận căn cước phải lập thành biên bản, giao cho người bị giữ giấy chứng nhận một bản và có sổ sách theo dõi.

Đặc biệt Dự thảo Nghị định còn quy định, Giấy chứng nhận căn cước được cấp đổi trong các trường hợp: Bị hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi thông tin về căn cước; Có sai sót về thông tin trên giấy chứng nhận căn cước; Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có yêu cầu.

Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch bị mất giấy chứng nhận căn cước thì được cấp lại.

Giám đốc Công an tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước.

Thời hạn cấp lần đầu giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là không quá 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin kê khai. Trường hợp cần thiết để kiểm tra, xác minh thông tin của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch thì có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.

Thời hạn cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Giấy chứng nhận căn cước có thời hạn sử dụng 1 năm kể từ ngày cấp.