Mỏi cổ chờ quy chế tuyển sinh

ANTĐ - Dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã cam kết sẽ chính thức ban hành Quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 trong những tuần đầu tháng 2-2015 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Mỏi cổ chờ quy chế tuyển sinh ảnh 1Thí sinh nên cân nhắc kỹ số lượng các môn thi và số trường xét tuyển

Nhiều điểm mới

Dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia đã qua thời hạn 45 ngày công khai lấy ý kiến rộng rãi người dân. Đến thời điểm này, nhiều quy định đã được thay đổi so với dự thảo công bố ban đầu. Ðáng chú ý là quy định về thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi. Theo đó, Bộ GD-ĐT dự kiến trước ngày 15-4 hàng năm, thí sinh phải nộp hồ sơ đăng ký môn thi. So với quy định ban đầu, thí sinh sẽ có thêm 15 ngày để cân nhắc, lựa chọn môn thi. Điều này được cho là hợp lý khi kỳ thi THPT quốc gia đã được lùi lại gần 1 tháng so với dự kiến ban đầu. Một điểm mới nữa là thay vì   áp dụng thang điểm 20, Bộ GD-ĐT dự kiến vẫn duy trì thang điểm 10. Các môn thi sẽ chấm với điểm lẻ đến 0,25 và không quy tròn điểm. 

Về cụm thi, Bộ GD-ÐT dự kiến tổ chức cụm thi liên tỉnh (gồm ít nhất 2 tỉnh) và cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ðối với những vùng đặc biệt khó khăn, Bộ GD-ÐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh để đặt địa điểm thi phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho các thí sinh. Tất cả các cụm thi đều do trường ĐH đứng ra chủ trì.

Phí dự thi tính theo môn thi

Một điểm cần lưu ý trong kỳ thi năm nay là quy định mới về mức phí dự thi. Thay vì nộp lệ phí dự thi cho mỗi bộ hồ sơ như mọi năm, kỳ thi quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 sẽ chia thành nhiều khoản phí khác nhau theo dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính.

Cụ thể, liên bộ đã đề xuất, mức phí (dành cho thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia) với mục đích sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học là 35.000 đồng/môn thi/thí sinh. Bên cạnh đó, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường TCCN, CĐ, ĐH còn phải nộp phí dự tuyển vào các trường 30.000 đồng/hồ sơ. Riêng thí sinh đăng ký vào các trường khối quốc phòng, an ninh phải nộp thêm phí sơ tuyển 50.000 đồng/hồ sơ. Những thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT sẽ không phải đóng phí dự thi, dự tuyển.

Đối với thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các ngành năng khiếu thuộc các trường tuyển sinh bằng phương thức dự tuyển, thí sinh nộp phí 30.000 đồng/hồ sơ. Nếu đăng ký vào trường tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển, với các môn văn hóa chuyên ngành, cần nộp phí dự thi 35.000 đồng/môn thi/thí sinh; đối với các môn năng khiếu, nộp phí dự thi 300.000 đồng/hồ sơ (bao gồm tất cả các môn năng khiếu).

Nhằm đảm bảo minh bạch, liên bộ yêu cầu các trường niêm yết công khai mức thu phí dự thi, dự tuyển tại nơi thu phí và thực hiện thu phí theo đúng quy định. Khi thu phí, phải cấp cho người nộp tiền biên lai theo quy định. Ngoài ra, để đảm bảo cân đối thu chi, liên bộ dự kiến, trong quá trình thực hiện, khi chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20%, sau khi có ý kiến thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh mức thu phí dự thi, dự tuyển tối đa 20%...

300 ngành cao đẳng không tuyển được sinh viên

Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho biết, trước kỳ tuyển sinh  ĐH-CĐ 2015, có tới 681 ngành thuộc 147 trường CĐ trên cả nước không đảm bảo điều kiện để tiếp tục tuyển sinh. Theo đó, có khoảng 300 ngành đào tạo đã 3 năm liên tiếp không tuyển được sinh viên, hàng trăm ngành đào tạo không có giảng viên nào. Trường có số lượng ngành đào tạo không có đủ điều kiện tuyển sinh nhiều nhất là Trường CĐ Sư phạm Hà Nam với 19 ngành, Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk với 18 ngành, Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh với 15 ngành... Được biết, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường bổ sung căn cứ (nếu có) trước ngày 6-3, thời điểm Bộ sẽ xử lý những ngành không đủ điều kiện tuyển sinh bằng các hình thức như đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành.