Mỗi cây cầu là minh chứng cho vị thế của Thủ đô

ANTD.VN - Bên cạnh nhiệm vụ giải quyết vấn đề giao thông, mỗi cây cầu còn là minh chứng về vị thế của Hà Nội.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2016-2030 sẽ xây dựng 10 cầu qua sông Hồng và 4 cầu qua sông Đuống. Nhìn nhận về kế hoạch này, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, mỗi cây cầu không chỉ phục vụ giao thông mà còn là minh chứng về vị thế của Hà Nội, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và là giải pháp phát huy nguồn lực xã hội, nguồn lực hội nhập, nguồn lực ngân sách. Đồng thời, mỗi cây cầu tại Hà Nội còn là biểu trưng, biểu tượng, là không gian văn hóa.

Mỗi cây cầu là minh chứng cho vị thế của Thủ đô ảnh 1Xu thế mới của Hà Nội là đưa các dòng sông trở thành những trục cảnh quan chính, bởi vậy yêu cầu về vị trí xây dựng các cầu càng được nâng cao

Đồng bộ hệ thống giao thông hiện đại

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, năm 2008 Hà Nội được mở rộng và đến năm 2011 có quy hoạch chung được phê duyệt. Tại quy hoạch này, nhiều vấn đề về giải pháp giao thông được đặt ra, trong đó có định hướng về hệ thống cầu vượt qua sông Hồng, sống Đuống và sông Đáy. Xu thế mới của Hà Nội là đưa các dòng sông trở thành những trục cảnh quan chính, thay vì các dòng sông chỉ ở ven Thủ đô như trước đây. Bởi vậy, yêu cầu về vị trí xây dựng các cầu càng được nâng cao.

Đến tháng 3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội, trong đó xác định đồng bộ lại các hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đặc biệt là 16 cây cầu bắc qua sông Hồng. Đến thời điểm này đã có 7 cây cầu hoàn thành và TP Hà Nội đang đặt vấn đề tiếp tục triển khai xây dựng 4 cầu qua sông Hồng và 1 cầu qua sông Đuống.

“Đối với cầu qua sông Đuống, trước đây Hà Nội đã xây dựng cầu Phù Đổng, kết nối với tuyến đường từ cầu Thanh Trì sang. Tuy nhiên, cầu Đuống cũ đang là một cản trở để phát triển giao thông Hà Nội theo hướng tiếp cận với đường thủy do gầm cầu thấp, ảnh hưởng tới việc qua lại của tàu, thuyền. Vì vậy, việc xây dựng cầu Đuống mới không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn có ý nghĩa kết nối vận tải công cộng từ Yên Viên qua Ngọc Hồi vào nội đô. Đặc biệt, còn mở đường cho giao thông thủy phát triển thuận tiện”, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đánh giá.

Cũng theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, cầu/hầm Trần Hưng Đạo là cây cầu với mục tiêu giúp giảm ùn tắc giao thông nội đô, kết nối giao thông công cộng của phía Bắc với phía Nam của Hà Nội, tạo thuận lợi khai thác lợi thế của Sân bay Gia Lâm. Tuy nhiên, việc triển khai cũng rất khó khăn bởi vướng mắc liên quan tới lựa chọn giải pháp, giải phóng mặt bằng, do đó khó có thể hoàn thành như dự kiến vào năm 2019.

Cầu Tứ Liên đã được đặt ra trong quy hoạch từ năm 1998, đây là cây cầu góp phần phục vụ giao thông nhưng có ý nghĩa lớn về văn hóa, bởi cây cầu này kết nối Cổ Loa - kinh đô của nước Âu Lạc với bán đảo hồ Tây. “Bên cạnh việc xây dựng cầu Tứ Liên cần nghiên cứu về quỹ đất, về khai thác cảnh quan xung quanh”, TS. Đào Ngọc Nghiêm đề xuất. 

Đánh giá về mức độ cần thiết xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Cầu Vĩnh Tuy đã được khởi công xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2007 do kinh phí có hạn. Tới nay nên tiếp tục triển khai giai đoạn 2 để giúp giải tỏa giao thông nội đô, đồng thời gắn kết với tuyến đường sắt đô thị. Vị trí cầu khó có thể điều chỉnh được nên sẽ theo hướng mở rộng, sau khi hoàn thành thì cây cầu sẽ đáp ứng lưu lượng giao thông rất lớn. Quan trọng là không gian hai bên phải được điều chỉnh để gắn kết với Cảng Hà Nội nhằm phát huy cả giao thông thủy”. 

Cần nhìn vào những bài học về đổi đất lấy hạ tầng

Theo thông tin từ đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tổng số 5 dự án xây dựng cầu hiện đang được UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai có 4 dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Và các doanh nghiệp xây dựng 4 cây cầu này sẽ được khai thác quỹ đất rộng 836ha.

Nhìn nhận về kế hoạch sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các nhà đầu tư khi xây dựng những cây cầu trên, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Cần phải tính toán đến việc nhà đầu tư sử dụng quỹ đất được thanh toán để phát triển các khu đô thị sẽ gây áp lực lên hạ tầng giao thông. Đồng thời, số vốn để thực hiện xây dựng không nên chỉ trông chờ vào nguồn vốn xã hội hóa, đổi đất lấy hạ tầng”.

Lý giải về vấn đề này, TS. Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra rằng: “Chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm về vấn đề này, khi đổi đất xong thì các dự án làm dở dang, đất không khai thác đúng tiến độ. Vừa qua, TP Hà Nội đã thu hồi một số dự án quá hạn. Mặt khác, có nhiều ý kiến cho rằng việc xác định giá đất vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn, đất đai là tài nguyên không đẻ ra được và ngày càng có giá. Việc lựa chọn hình thức nào là một vấn đề cần được dư luận quan tâm và phải được đa ngành xem xét, nhất trí. BOT đổi đất lấy hạ tầng là những bài học mà hiện nay chúng ta vẫn đang phải trả giá”.  

“Mỗi cây cầu không chỉ phục vụ giao thông mà còn là minh chứng về vị thế của Hà Nội, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và là giải pháp phát huy nguồn lực xã hội, nguồn lực hội nhập, nguồn lực ngân sách. Đồng thời, mỗi cây cầu tại Hà Nội còn là biểu trưng, biểu tượng, là không gian văn hóa”.

TS. Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội)