Mở rộng diện giám sát, lấy mẫu xét nghiệm cúm gia cầm

ANTD.VN - Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo, trong phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 lây sang người, vấn đề then chốt là không được tiếp xúc với gia cầm mang mầm bệnh, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chiều 20-2, Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp (EOC) - Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm A/H7N9, trước diễn biến dịch bệnh này đang bùng phát mạnh tại Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập nước ta.

Không có dịch trên gia cầm sẽ không có dịch trên người

Báo cáo tình hình dịch cúm A/H7N9 đang lây lan rộng tại Trung Quốc, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh đây là đợt dịch thứ năm của dịch cúm A/H7N9 và cũng là đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay. Chỉ tính từ tháng 10-2016 tới 19-2-2017, tổng số đã có 425 trường hợp mắc được ghi nhận và hiện số mắc vẫn đang gia tăng rất nhanh, địa bàn có dịch đang lan rộng. Ở Việt Nam, hiện chưa ghi nhận ca bệnh mắc cúm A/H7N9, A/H5N8, A/H5N1 trên người song vẫn ghi nhận một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y - Bộ NN&PTNT cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, tại: xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạch Liêu; xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ngoài ra, các tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc vẫn rải rác ghi nhận các ổ dịch cúm H5N6 trên đàn gia cầm… 

Phác đồ điều trị cúm A/H7N9 chưa thay đổi
Qua giám sát tại 12 điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia, từ năm 2016 đến nay đã có 3.540 trường hợp cúm trên người được lấy mẫu giám sát, tất cả đều âm tính với các loại cúm nguy hiểm trên đàn gia cầm nói trên. Về thuốc điều trị bệnh cúm A/H7N9, Bộ Y tế cho biết, virus này hiện vẫn nhạy với euraminidase inhibitors (oseltamivir và zanamivir) nhưng đã xuất hiện kháng với adamantanes. Hiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 vẫn chưa thay đổi.

Ông Đàm Xuân Thành nhấn mạnh, với diễn biến dịch bệnh trên đàn gia cầm như vậy, nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người là rất lớn. Đặc biệt những trường hợp có thói quen ăn tiết canh gia cầm, nhất là tiết canh vịt, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. 

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT cũng như đại diện các tổ chức y tế quốc tế tại Việt Nam đều khẳng định, không có dịch trên đàn gia cầm sẽ không có dịch cúm gia cầm trên người. Vì thế, trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người, vấn đề then chốt là con người không được tiếp xúc với gia cầm mang mầm bệnh, không vận chuyển, mua bán và sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm dịch.

Ca có biểu hiện cúm nhẹ cũng phải lấy mẫu

Nhìn từ thực tiễn dịch bệnh cúm A/H7N9 đang bùng phát tại Trung Quốc và nguy cơ xâm nhập nước ta, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt câu hỏi: Mầm bệnh cúm A/H7N9 ở đợt dịch này không có sự thay đổi, vậy tại sao tốc độ gia tăng dịch tại Trung Quốc lại nhanh như vậy? Công tác phòng chống dịch ở nước ta đã đáp ứng đủ yêu cầu chưa?

Chúng ta đang phải song song đối mặt với cả 2 dịch cúm gia cầm A/H7N9 và A/H5N1 thì hình thái chống dịch phải như thế nào? Làm sao để phát hiện sớm được những trường hợp mắc cúm gia cầm trên người ở Việt Nam trong thời gian tới nếu có?... Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập Việt Nam thời điểm này là hoàn toàn có thể. Vì thế, lúc này phải tập trung cao độ vào công tác phòng chống dịch bệnh này. 

Người dân cần tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ khi mua bán sử dụng gia cầm

Trước mắt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương ngay sau cuộc họp này phải mở rộng diện giám sát cúm trên người tại cộng đồng, đầu tiên là những người có nguy cơ; Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng.

“Tới đây, ngành y tế sẽ tăng giám sát trên người, đặc biệt với khu vực giao lưu khách du lịch như TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), các khu vực giáp với vùng biên giới Trung Quốc… Đồng thời, mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ đưa vào lấy mẫu giám sát, thay vì như trước đây chỉ xét nghiệm những trường hợp nặng. Bên cạnh đó, sẽ tính đến phương án xét nghiệm mẫu cộng đồng, ưu tiên người vận chuyển, giết mổ, tiếp xúc với gia cầm, chợ nhỏ lẻ, đầu mối…” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu. 

Cho rằng nếu ngăn chặn được triệt để tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép, không qua kiểm dịch từ Trung Quốc vào Việt Nam thì chắc chắn sẽ chặn được dịch cúm gia cầm A/H7N9 trên người xâm nhập, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các ngành chức năng cần quyết liệt, triệt để ngăn chặn tình trạng buôn lậu gia cầm qua biên giới.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tới người dân, nhất là vận động người dân bỏ ngay thói quen ăn tiết canh và không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng gia cầm bệnh, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm dịch. 

Quảng Ngãi: Tiêu hủy thêm 1 ổ cúm A/H5N1

Ngày 19-2, cơ quan chức năng ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi đã tổ chức tiêu hủy gần 2.800 con gà của ông Trần Anh Phi, ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường. Trước đó, nhận được tin báo, chính quyền xã Phổ Cường và Trạm Thú y huyện Đức Phổ đã đến kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Trung tâm Thú y vùng 4 xét nghiệm và đến chiều 16-2 có kết luận đàn gà dương tính với virus cúm A/H5N6. 

Trước đó, lực lượng chức năng huyện Đức Phổ cũng đã tiêu hủy 382 con vịt của ông Nguyễn Hiệp, ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường. Hiện tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ khẩn cấp cho huyện Đức Phổ 40.000 liều vaccine cùng với hóa chất để khoanh vùng dập dịch. 10 ngày qua, toàn tỉnh Quảng Ngãi phát hiện 4 ổ dịch cúm gia cầm tập trung ở huyện Đức Phổ và TP Quảng Ngãi.