Mô hình chợ ở Hà Nội: Cần xem lại tính hiệu quả

ANTĐ - Sáng 20-5, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, qua 10 năm thực hiện Nghị định 02/2003/NĐ-CP, tình trạng chợ hoạt động kém hiệu quả, không hiệu quả vẫn chiếm khoảng 3%. Đáng chú ý là các dự án theo mô hình chợ - trung tâm thương mại (TTTM). 

Theo ông Nguyễn Xuân Chiến- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mô hình chợ - TTTM hiện mới chỉ có tại Hà Nội và Thái Nguyên. Tại Hà Nội, một số dự án được triển khai xây dựng theo mô hình này là chợ - TTTM Thanh Trì, chợ - TTTM Cửa Nam... nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiết kế của dự án chưa hợp lý vì chợ truyền thống phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người mua bán, phương tiện ra vào chợ dễ dàng, nhưng khi chuyển sang mô hình này, người dân thấy rất bất tiện. Hai là không gian chợ truyền thống trong mô hình này không thoải mái, rất chật hẹp.

Bên cạnh đó, giá thuê mặt bằng của chợ truyền thống trong dự án này cũng cao hơn so với thu nhập của các hộ kinh doanh. Ngoài ra, chợ truyền thống và TTTM có đặc thù khác nhau nên cạnh tranh trên cùng vị trí thương mại thì chợ sẽ yếu thế hơn hẳn. Ông Nguyễn Xuân Chiến cho rằng, để mô hình này hiệu quả thì phải giải quyết hài hòa lợi ích của chủ đầu tư với các hộ kinh doanh tại chợ và chưa nên nhân rộng mô hình tại các địa phương khác khi chưa có đánh giá toàn diện về mô hình. 

Bên cạnh những hạn chế này, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và dịch vụ cho khách mua hàng tại các chợ chưa được quan tâm phát triển; tình trạng kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng lậu... trong các chợ còn khá phổ biến; chợ dân sinh còn gây ách tắc giao thông, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh...