Minh bạch tài sản để "đặc trị" tham nhũng

ANTD.VN - Ngày 21-11, thảo luận Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng minh bạch tài sản, thu nhập là “thuốc đặc trị” phòng ngừa tham nhũng, đồng thời đề nghị cơ chế chống tham nhũng phải thay đổi cho hợp lý, tránh chỉ toàn bắt “cá nhỏ” mà để lọt “cá to”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đánh giá, thời gian vừa qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã thu được nhiều kết quả song cũng còn nhiều tồn tại, đặc biệt việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Minh bạch tài sản để "đặc trị" tham nhũng ảnh 1Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đánh giá, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn tiếp tục gặp khó khăn

Khó thu hồi tài sản bất minh

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong 10 năm, số thiệt hại do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400ha đất nhưng số thu hồi chỉ là 4.676 tỷ đồng và 219ha đất, tức là chỉ trên dưới 10%. Một trong những nguyên nhân là do pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm đối với tài sản tham nhũng, nhất là với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.

“Vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp kỷ luật đối với chính người kê khai chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu thực trạng và cho rằng, muốn xử lý, tịch thu khối tài sản này thì chính các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh chứ không phải người có tài sản có trách nhiệm giải trình. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) chia sẻ quan điểm xác định tội phạm theo pháp luật hình sự là theo nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng trong phòng, chống tham nhũng, nên áp dụng nguyên tắc suy đoán có tội - tài sản không chứng minh được nguồn gốc là tài sản bất minh.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) cho rằng cần trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản. “Còn người có tài sản kê khai phải có trách nhiệm chứng minh và chứng minh nguồn gốc của tài sản đó là hợp pháp. Nếu không chứng minh được nhà nước có quyền nhân danh xã hội để tịch thu”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn góp ý.

Tham nhũng nhỏ không phòng, sẽ tham nhũng lớn

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cho rằng, dự thảo luật tập trung nhiều vào việc chống tham nhũng, tức là khi tham nhũng đã xảy ra hơn là phòng để tham nhũng xảy ra. “Nếu không phòng ngừa hành vi nhỏ, giá trị tham nhũng thấp dễ dẫn đến hành vi tham nhũng lớn hơn”, bà Thủy cảnh báo.

Về quy định miễn xử lý kỷ luật với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng không phù hợp, vì quy định như vậy sẽ tạo kẽ hở cho người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, muốn rũ bỏ trách nhiệm chỉ cần từ chức là xong mà không bị kỷ luật.

Đưa ra giả định rằng một cán bộ công chức có thể kê khai lần đầu có 1 triệu USD ở ngân hàng nước ngoài, 2 căn biệt thự không xác định được giá trị do thực tế mà có để hợp thức hóa cho tài sản tham nhũng sau này mà vẫn không bị điều tra xác minh, đại biểu này đánh giá, dự thảo luật còn nhiều sơ hở và đề nghị  “tăng cường thêm nhiều điều khoản phòng ngừa hành vi tham nhũng hiệu quả hơn”.

Minh bạch tài sản để "đặc trị" tham nhũng ảnh 2Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết việc kiểm soát kê khai tài sản của đảng viên, công chức không hiệu quả là do chưa quản lý được dữ liệu kê khai

“Đặc trị” tham nhũng bằng minh bạch tài sản

Đại biểu Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ) đánh giá, bất cập hiện nay là không quy định việc xử lý đối với tài sản không khai, hoặc có khai nhưng không giải trình được nguồn gốc tăng thêm hợp lý. Vì vậy, nếu không có các biện pháp cụ thể để xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai hoặc không giải trình được thì các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản thu nhập sẽ vẫn rất khó tạo được sự chuyển biến trong công tác phòng, chống tham nhũng và sẽ rất lúng túng trong xử lý vi phạm.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai), minh bạch tài sản là rất cần thiết trong xã hội hiện đại, các nước đã áp dụng. “Chúng ta chưa làm thì bây giờ phải làm từng bước, không phải chỉ công chức mà mọi người dân đều phải làm, mọi nguồn thu nhập đều phải làm. Nhưng trước mắt, tập trung vào những người có khả năng phương hại đến công quỹ, như thế “liều thuốc” mới đặc hiệu. Còn nếu chúng ta cứ pha loãng như thế này thì chỉ là một thứ uống vaccine cũng rất cần thiết, nhưng không khắc phục được thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, gây bức xúc”, ông Dương Trung Quốc nói và cho rằng phải quy tham nhũng gắn liền với quyền lực và yếu tố phương hại đến công quỹ.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn TP Hà Nội) nêu quan điểm, cần thiết phải sửa luật theo hướng làm sao để triển khai đường lối của Đảng, mong muốn của dân là chống tham nhũng hiệu quả, nhưng không có nghĩa là dàn trải, pha loãng ra để cuối cùng không chống được. “Ví như lò than chúng ta đốt một lúc tất cả củi khô, củi ướt vào thì nó không tăng mà còn giảm nhiệt, thậm chí tắt lò”, đại biểu Nguyễn Chiến nói.

Bàn về việc mở rộng phạm vi đối tượng kê khai tài sản, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng không nên mở rộng như phạm vi hiện nay mà chỉ tập trung vào những người có chức, có quyền trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước và những người làm việc ở những nơi “nhạy cảm” dễ tham nhũng, ví dụ như lĩnh vực hải quan, thuế… 

Sẽ từng bước mở rộng diện kê khai tài sản

Giải trình cuối phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện phạm vi điều chỉnh dự án luật trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc lựa chọn phương án, đảm bảo khả thi. 

Về các quy định công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Trung ương đã 2 lần chỉ đạo về việc tiến tới từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ công chức. Kết quả tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, nguyên nhân dẫn tới việc kiểm soát không hiệu quả không phải vì diện kê khai rộng mà do chưa quản lý được dữ liệu kê khai, chưa kiểm soát được sự biến động và xác minh được tài sản thu nhập.

“Do vậy, việc quy định các cơ quan tổ chức kiểm soát tài sản thu nhập là cần thiết, nhằm hình thành quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời cần giao cho cơ quan, tổ chức có chức năng để thực hiện nhiệm vụ cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng”, ông Lê Minh Khái nói.