Minh bạch các khoản lỗ trước khi tăng giá điện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình trạng thua lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được cả công ty mẹ và các công ty con đồng loạt phản ánh. Sau gần 4 năm không được điều chỉnh giá bán để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh Covid-19, trong khi giá nhiên liệu đầu vào đã tăng mạnh, thậm chí có lúc đạt kỷ lục, đến nay EVN đứng trước nguy cơ “không cân đối được dòng tiền”.

Lỗ 31.360 tỉ đồng

Báo cáo của EVN cho biết, chỉ riêng năm 2022 đã lỗ đến 31.360 tỉ đồng. Ông Nguyễn Tài Anh - Phó tổng Giám đốc EVN cho biết, giá bán lẻ điện đã được giữ ổn định gần 4 năm qua trong khi giá nhiên liệu sản xuất điện, tỷ giá đều tăng mạnh khiến EVN khó cân đối tài chính và chịu lỗ nặng trong năm 2022. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2022 của EVN ước đạt 460.700 tỉ đồng, tăng 4,31% so với 2021, trong đó doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385.300 tỉ đồng, bằng 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021. Giá trị nộp ngân sách năm 2022 toàn tập đoàn ước đạt 22.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, tập đoàn ước lỗ 31.360 tỉ đồng. EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính trong những năm tới.

Cần minh bạch khi điều chỉnh giá điện

Cần minh bạch khi điều chỉnh giá điện

Theo ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN, số lỗ trên đã giảm mạnh sau khi tập đoàn tìm mọi biện pháp để thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí. Tổng các khoản EVN đã tiết kiệm được lên tới 33.445 tỉ đồng.

Tình trạng thua lỗ xảy ra không chỉ với công ty mẹ EVN mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn. Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC, đơn vị quản lý phân phối điện tại 27 tỉnh, thành phía Bắc) cho biết: “Cuối năm ngoái chúng tôi dự liệu năm 2022 là một năm khó khăn, nhưng thực tế những gì trải qua đã vượt xa dự tính”. Theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, giá mua điện của EVNNPC hiện cao hơn so với đơn giá kế hoạch tập đoàn giao tới 685 đồng/kWh, làm chi phí mua điện tăng thêm 3.700 tỷ đồng. Trong khi đó, tăng trưởng điện thương phẩm (điện bán ra) tới các khách hàng sử dụng điện lớn, sụt giảm. Bình quân các năm trước tăng trưởng điện thương phẩm thường trên 10%, năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19 cũng đạt 6,7%, năm nay dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng điện thương phẩm chỉ tăng 5,42%, thấp hơn thời điểm trước dịch.

Nguyên nhân của sự suy giảm này là do các đơn vị sản xuất công nghiệp lớn (thép, xi măng, điện - điện tử...) thu hẹp, dừng sản xuất và xu hướng này rõ nét trong tháng cuối năm khi các hộ tiêu thụ điện lớn trong ngành thép xi măng giảm sản xuất từ 3 ca xuống 2 ca. Tại miền Bắc, điện cho sản xuất công nghiệp chiếm 65% nên sụt giảm điện thương phẩm gây ra nhiều khó khăn. EVNNPC đã phải cắt giảm chi phí sửa chữa; giảm tiền lương, thu nhập của cán bộ nhân viên (năm 2022 chỉ bằng 62% so với năm 2021). Dù vậy, tổng công ty khó thu xếp vốn cho các khoản vay tiếp theo cho đầu tư xây dựng, nguy cơ ngân hàng dừng giải ngân các khoản vay do báo cáo tài chính xấu... Bà Đỗ Nguyệt Ánh kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh giá điện, giúp ngành điện cân đối lại tài chính.

Ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng cho biết, việc thiếu than cho sản xuất điện hồi tháng 3, tháng 4 năm nay đã ảnh hưởng khá nhiều đến hệ thống điện. Công suất nhiệt điện than không huy động được lên tới 3.000 - 4.000MW. Ở miền Nam, việc cung ứng khí cũng giảm, tối đa chỉ đến 70% nên buộc phải huy động các nguồn điện giá cao như dầu DO. “Thủy điện khai thác cũng chỉ đạt 36%; điện than, năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ lớn, làm chi phí giá điện cao. Trước đây, giá than trung bình khoảng 140 USD/tấn thì đến nay đã tăng lên 400 USD/tấn. Giá bán lẻ điện bình quân theo quy định hiện hành là 1.864 đồng/kWh nhưng giá biến đổi của các nhà máy điện lên tới trên 2.000 đồng/kWh, thậm chí cộng toàn phần còn lên tới gần 4.000 đồng/kWh” - ông Nguyễn Đức Ninh nói.

Theo ông Lê Văn Danh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty phát điện 3, khó khăn về nhiên liệu sản xuất đang ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Với mặt hàng than, trong quý I và quý II năm nay, giá than nhập khẩu đã tăng 4,2 lần so với năm 2020 và 2,2 lần so với năm 2021. Ngoài ra, tỷ giá cũng biến động mạnh. “Có thời điểm lỗ chênh lệch tỷ giá là 2.600 tỉ đồng, trong khi giá trị sản xuất chỉ 3.000 tỉ đồng, bây giờ tỷ giá đang giảm xuống nhưng chưa đáng kể” - ông Lê Văn Danh cho hay.

Do đó, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII; sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28/2014 Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Đồng thời, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng về giá bán lẻ điện bình quân, đề xuất Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi nhằm giảm bớt khó khăn cho tập đoàn.

Nên đưa giá điện theo thị trường?

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, con số lỗ hơn 31.000 tỉ đồng của EVN là rất đáng lưu tâm. Chi phí đầu vào tăng không ngừng, giá đầu ra không tăng, không đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh thì không ổn. Do đó, ông Nguyễn Hoàng Anh vừa đề nghị EVN tiết giảm chi phí hoạt động hơn nữa, vừa kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá điện. “Giá điện phải tính toán theo chu kỳ, để có đề xuất quyết liệt để tăng giá theo thị trường khi đầu vào tăng. Các đơn vị đều lập chỉ tiêu hàng năm đều tính chi phí gia tăng, sao chúng ta không làm?” - ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Trước con số lỗ “khủng” của EVN trong năm 2022, nhiều người dân đã bày tỏ quan điểm trái chiều. Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Dương Nội, Hà Đông) đặt câu hỏi: “Độc quyền mà cũng lỗ à?”. Phản hồi ý kiến của chị Hạnh, anh Hoàng Hữu Việt (Khương Thượng, Đống Đa) cho rằng: “Quan trọng là chi phí của EVN như thế nào? Nếu đúng chi phí cao hơn giá bán thì độc quyền cũng vẫn lỗ. Còn chi phí có vấn đề cần xem xét lại”.

Đồng tình quan điểm này, anh Minh Trí (Cửa Nam, Hoàn Kiếm) cho rằng, hiện người dân Việt Nam đang được sử dụng điện giá rẻ và EVN đang “gồng” lỗ để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp sau hơn 3 năm dịch bệnh chưa được tăng giá. Kiến nghị tăng giá điện của EVN được cho là hợp lý vì cần cân đối được tài chính để đảm bảo an ninh năng lượng. “Tình hình chung của cả thế giới và Việt Nam là khủng hoảng năng lượng đẩy giá dầu, giá điện tăng cao. Thời gian qua, giá điện không tăng đã là nỗ lực hết mình của EVN và Nhà nước rồi, bởi nếu EVN tăng giá thì tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp cũng như cuộc sống người dân. Hiện tại, lượng điện tiêu thụ giảm do nhiều nhà máy giảm sản xuất vì thiếu hụt đơn hàng nó cũng đỡ phần nào cho EVN. Năm mới, rất mong Nhà nước và EVN tiếp tục cố gắng để giữ ổn định giá điện để không ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống người dân” - anh Minh Trí chia sẻ.

Ý kiến khác cho rằng, ở góc độ người dân, việc tăng giá điện thực sự là điều không mong muốn. Giá điện, giá xăng dầu hay bất cứ mặt hàng nào tăng giá đều tác động trực tiếp đến đời sống người dân nhưng nếu cứ giữ nguyên giá bán và tăng lỗ thì “EVN chịu sao thấu”.

Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, cần khách quan khi đánh giá kiến nghị tăng giá điện của EVN: “EVN cần phải làm rõ ràng khoản lỗ trên 31.000 tỉ đồng là ở khâu nào? Do ai? Do giá mua điện cao khiến kinh doanh bị lỗ, hay lỗ do quá trình truyền tải gây thất thoát lớn hoặc khâu phân phối gây tổn hao và có hay không công tác quản lý yếu kém…”. Nói rõ hơn về ý kiến này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các báo cáo khoản lỗ của EVN hiện chưa rõ ràng.

Tập đoàn cần làm rõ lỗ từ các khâu nào và công khai các chi phí cũng như giá thành sản xuất điện từ các nguồn thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo để cơ quan quản lý Nhà nước và người dân dễ dàng thấy khoản lỗ này đến từ đâu. Nếu chỉ với một thông báo đơn giản hoạt động trong 1 năm lỗ tới mấy chục nghìn tỷ đồng sẽ dễ khiến xã hội hoang mang và không ủng hộ. “EVN đã nhiều năm không tăng giá điện, nhưng nếu làm rõ các khoản lỗ một cách đầy đủ, minh bạch thì đề xuất tăng giá của Tập đoàn chắc cũng không ai thắc mắc” - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, điện là lĩnh vực rất quan trọng đối với sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, dân sinh. Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế là nhiệm vụ mà EVN phải thực hiện. Nếu không tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện, sẽ gây nên những cái khoản lỗ rất lớn cho EVN. Điều này đứng về phương diện kinh tế thị trường là bất hợp lý. “Trong trường hợp Chính phủ vẫn kiên quyết là giữ giá điện, tôi cho rằng Chính phủ phải có biện pháp bù lỗ cho EVN cũng như các ngành mà Nhà nước đang quản lý và điều hành giá. Tuy nhiên, điều này sẽ gây áp lực lớn lên chi tiêu ngân sách và cân bằng ngân sách Nhà nước, cũng không theo đúng quy luật của kinh tế thị trường” - vị chuyên gia cho hay. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, EVN không nên so sánh giá điện ở Việt Nam và các nước khác bởi cơ cấu nguồn điện ở mỗi nước là khác nhau, dẫn đến chi phí, giá thành khác nhau.

Cơ chế giá điện tại Việt Nam

Giá bán điện bình quân sẽ được Thủ tướng quyết định với 2 văn bản bao gồm: Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân; cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Những quyết định trên đều căn cứ và tuân thủ theo Luật giá và các Nghị định của Chính phủ.