Chi phí sản xuất điện đang tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, diễn biến giá nhiên liệu thế giới (giá than nhập khẩu theo chỉ số NewCastle, giá dầu Brent), tỷ giá đồng USD/VNĐ cập nhật các tháng trong năm 2022 tăng cao hơn rất nhiều so với bình quân năm 2020, năm 2021 và các số liệu dự báo trước đây.

Giá than thế giới diễn biến trong năm 2022 tăng gấp 6 lần so với năm 2020 và 2,6 lần so với năm 2021. Giá than nhập khẩu tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu và cả các nhà máy điện sử dụng than pha trộn (trộn giữa than trong nước và than nhập). Bên cạnh đó, giá dầu làm cơ sở tính giá khí trong năm 2022 (cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí) tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020 và 1,34 lần so với năm 2021. Trữ lượng khí của các mỏ khí giá thấp (lô 06.1 Nam Côn Sơn giá khí tại miệng giếng khoảng 2,96 USD/triệu BTU) bị suy giảm sản lượng nhanh, trong khi giá khí từ các mỏ mới thì rất đắt (như khí Thiên Ưng khoảng 7,51 USD/triệu BTU) cũng làm tăng mạnh chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện tua bin khí. Ngoài ra, trong các tháng vừa qua, tỷ giá ngoại tệ đồng USD cũng tăng cao sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới biên độ tỷ giá cũng làm tăng chi phí, trong đó bao gồm cả chi phí mua nhiên liệu nhập khẩu cho sản xuất điện.

Kết quả tính toán cho thấy, giá điện bình quân năm 2022 theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg tăng so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành

Kết quả tính toán cho thấy, giá điện bình quân năm 2022 theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg tăng so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành

Những nguyên nhân kể trên làm cho giá mua điện của các nhà máy sử dụng nhiên liệu than, nhiên liệu khí trong năm 2022 tăng rất cao. Do giá nhiên liệu (than, khí), tỷ giá biến động tăng đã làm chi phí khâu phát điện tăng cao. Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân được tính toán trên cơ sở quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm chi phí mua điện, chi phí truyền tải, chi phí phân phối, bán lẻ, quản lý ngành, các chi phí khác và lợi nhuận. Trong đó, thành phần giá phát điện chiếm tỷ trọng lớn (trên 80%) trong giá bán lẻ điện. Theo quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, giá điện chưa được xét điều chỉnh theo biến động của thông số đầu vào, năm 2022 đến nay là năm thứ 3 giá bán điện bình quân vẫn giữ nguyên kể từ tháng 3-2019. Việc chưa được điều chỉnh giá điện kịp thời khiến EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Cụ thể, EVN sẽ không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện. Tập đoàn cũng khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo vận hành an toàn, cung ứng điện cho các năm tiếp theo.

“Kết quả tính toán cho thấy, giá điện bình quân năm 2022 theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg tăng so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. Do đó, có cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ điện theo quy định để EVN có nguồn lực đáp ứng lâu dài cho việc cung cấp điện để phát triển kinh tế-xã hội” - đại diện EVN cho biết.