EVN có thể lỗ đến 31,3 nghìn tỷ đồng trong năm nay

ANTD.VN -  Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Tập đoàn có thể lỗ đến 31,3 nghìn tỷ đồng trong năm nay vì tình hình thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn về năng lượng.
EVN có thể lỗ hàng chục nghìn tỷ trong năm nay

EVN có thể lỗ hàng chục nghìn tỷ trong năm nay

Theo EVN, từ đầu năm 2022, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao. Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm thì kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tập đoàn đã tiết giảm chi tiêu tối đa như: Quyết liệt tiết kiệm và cắt giảm chi phí, như tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho cán bộ, công nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020, tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện...

Đồng thời, thực hiện các giải pháp về tối ưu hóa dòng tiền, thực hiện thu cổ tức của các công ty cổ phần có vốn góp của EVN trong năm 2022; vận hành tối ưu hệ thống điện để phát huy tối đa nguồn thủy điện (có chi phí thấp); điều phối các hợp đồng mua than, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện; nỗ lực đàm phán với các chủ đầu tư các nhà máy điện BOT về sản lượng phát điện để tối ưu hóa chi phí chung.

Do đó, Tập đoàn có thể giảm số lỗ nêu trên khoảng 33.445 tỷ đồng và tác động làm giảm chi phí sản xuất của EVN, ngoài ra, chi phí khâu truyền tải, phân phối, phụ trợ năm 2022 chỉ bằng 92,8% so với năm 202.

Dù vậy, kết quả sản xuất, kinh doanh 10 tháng năm 2022 của Công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng

Tuy nhiên, EVN cho rằng, việc cắt giảm chi phí lớn theo định mức từ 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới. Cùng với đó, Tập đoàn cũng gặp khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để bảo đảm cung ứng điện.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2022, kinh tế đã hồi phục và phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu điện tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2021. Tăng trưởng điện đã đóng góp 0,67% vào tăng trưởng ngành công nghiệp và đóng góp 0,31% vào tăng trưởng GDP.